Ốm đau, cần có bố mẹ nuôi chăm sóc
Ông Lưu Sừn Vạn, người Cờ Lao, ở huyện Đồng Văn, Hà Giang, cho biết, khi một đứa trẻ sinh ra không lớn nhanh, không khỏe mạnh, hay khóc quấy, người Cờ Lao sẽ nhận bố mẹ nuôi cho đứa trẻ.
Dân tộc Cờ Lao. Ảnh: IE
Ngày lễ, người ta đặt một bát nước lên bà thờ. Nội trong 3 ngày, ai là người đến trước thì đó là bố nuôi hoặc mẹ nuôi. “Lúc đấy sẽ làm lễ đặt tên cho cháu. Phải cúng 1 con gà. Cúng xong, bố mẹ nuôi đổ bát nước ấy đi, lấy chỉ đỏ, chỉ đen, chỉ vàng buộc vào tay của cháu, mong cho cháu hay ăn chóng lớn” – ông Vạn nói.
Sau khi làm lễ nhận con nuôi, gia đình đứa trẻ phải có trách nhiệm với người bố, người mẹ nuôi này. Ngày Tết có chai rượu, miếng thịt sang thăm hỏi bố mẹ nuôi, tùy thuộc điều kiện gia đình. Việc này phải thực hiện liên tiếp trong 3 năm. Sau 3 năm sẽ không phải đi lại nữa, mặc dù đứa trẻ ấy vẫn gọi người kia là bố, mẹ nuôi.
Nhận bố mẹ nuôi ở ngã ba đường
Ông Lưu Sừn Vạn bảo đó là lễ nhận con nuôi của người Cờ Lao đỏ. Người Cờ Lao Trắng lại khác, bố mẹ nuôi phải được tìm ở ngã ba đường:
“Thầy cúng đến chỗ ngã ba đường, lấy một khúc gỗ, chặt ra như cái thang, đặt ở đấy chờ. Lấy sợi chỉ vàng, chỉ đỏ, chỉ đen bắc qua cái cầu đấy. Khúc gỗ đấy tượng trưng cho cái cầu đón bố mẹ nuôi. Người đầu tiên gặp thì người đó là bố, mẹ nuôi”.
Có bố nuôi, mẹ nuôi cũng có nghĩa đứa trẻ có thêm một chỗ dựa lớn. Việc lớn, việc nhỏ, ngoài bố mẹ đẻ thì đều có sự san sẻ của bố hoặc mẹ nuôi.
Dân tộc Cờ Lao còn có tên gọi khác là Tứ Đư, Ho Ki, Voa Đề. Tại Việt Nam, người Cờ Lao sống tập trung ở Hà Giang với 3 nhánh địa phương là Cờ Lao đỏ, Cờ Lao trắng và Cờ Lao xanh.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận