Người dân vùng cao Lào Cai mổ lợn đón Tết.
Thứ hai, 10:56, 24/01/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa vật dụng mới hay đơn giản là chuẩn bị thêm ít củi đun để đón Tết, nhưng đặc biệt, với đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai không thể thiếu việc mổ lợn ăn tết. Đây cũng là một trong những tập tục truyền thống được đồng bào vùng cao lưu giữ bao đời nay.

 

Sớm tinh mơ, sương mù còn giăng phủ khắp vùng Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai thì vài thanh niên khỏe mạnh đã có mặt tại nhà ông Thào Seo Phù để giúp gia đình ông mổ lợn ăn tết. Từ các cụ già đến cánh thanh niên hay trẻ nhỏ đều rất háo hức, mong chờ từ nhiều ngày nay.

Ông Thào Seo Phù, tổ dân phố Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai phấn khởi nói: Gia đình tôi làm cả năm nuôi được 1 - 2 con lợn thì để mổ ăn Tết thôi. Con lợn năm nay to hơn năm ngoái. Mổ lợn thì tôi cũng mời anh em trong thôn đến giúp và chung vui cùng mình".

Đồng bào người Mông có quan niệm, ăn Tết to hay không là phụ thuộc vào con lợn gia đình sẽ mổ trong ngày Tết to hay nhỏ. Vì thế, nhà nào cũng cố gắng nuôi vài con lợn đen, chăm sóc cho béo tròn, để tết đến xuân về, chọn con to nhất làm thịt. Các nhà trong thôn hỗ trợ mổ lợn, rồi cùng gia chủ ăn bữa cơm đoàn kết.

 Người Mông rất thích có khách tới chơi nhà trong những ngày Tết.

Ông Giàng Seo Quáng ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Hôm nay nhà tôi mổ lợn tết thì mời anh em trong thôn bản đến cùng ăn bữa cơm đoàn kết. Ở đây mổ lợn thì chia mỗi nhà một ngày, nếu sát quá thì hai nhà cũng được.

Tục mổ lợn tết của người Mông thường kéo dài khoảng 1 tháng, bắt đầu từ đầu tháng Chạp âm lịch và kết thúc vào ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của năm.

Người Mông vui Tết.

Ông Lồ Củi Dùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho biết: Mổ lợn ăn Tết của người Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Thanh Bình nói chung là một truyền thống, phong tục được gìn giữ từ bao đời nay. Lợn Tết này cũng đã được gia đình nuôi từ đầu năm nên hầu như nhà nào cũng có để mổ. Đặc biệt là lợn Tết ở đây hầu như là lợn đen bản địa.

Bàn thờ ngày tết của người Mông.

Mổ lợn Tết sớm không chỉ là tập tục truyền thống, là những bữa cơm đoàn viên gia đình, dòng họ, bản làng, mà còn là thành quả của một năm tích cực lao động sản xuất của bà con vùng cao Lào Cai./.

 

CTV VOV

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC