Người Hà Nhì chọn ngày Rồng tháng Chuột để làm lễ
Thứ tư, 00:00, 30/08/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Người Hà Nhì chọn ba ngày đẹp là ngày Thìn, Tỵ và Dậu để cúng tổ tiên. Đẹp nhất là ngày Thìn. Bởi vậy, với rất nhiều lễ tết trong năm như : Tết Nguyên đán, lễ cúng rừng, lễ cầu mùa, lễ cúng nguồn nước “Lú khù sụ”, lễ cúng tạ ơn thầy “Dứ dò dò”, lễ cúng thần đất “Thổ ty”, lễ cúng tháng 3, tết đông... hay những sự việc quan trọng như tậu trâu, cưới xin, xây nhà… người Hà Nhì đều chọn làm vào ngày Rồng tháng Chuột.


  • Lò no là ngày tốt nhất

 

Trong Âm lịch, tháng Tý (tức tháng 11 âm lịch) là tháng bắt buộc phải có ngày đông chí. Đây cũng là một quy tắc bắt buộc để xây dựng lịch của người Hà Nhì. Theo thạc sỹ Ngô Thu Thảo, ĐH Thái Nguyên, với người Hà Nhì, ngày Rồng “lò no” được coi là ngày  tốt nhất:

"Giờ Thìn tương ứng với khoảng thời gian từ 7h-9h trong mỗi ngày. Thìn chỉ hướng đông - đông nam. Theo ngũ hành thì Thìn tương ứng với Thổ, theo thuyết Âm - Dương thì Thìn là Dương. Thìn mang ý nghĩa là phấn chấn, chỉ trạng thái bao phủ che trùm của thực vật trên khắp mặt đất trong khoảng thời gian này (khoảng giữa mùa xuân theo quan điểm của người Á Đông)".

Tục lấy nước đầu năm của người Hà Nhì. Ảnh: baomoi.com

Người Hà Nhì không có chữ viết nên cách tính lịch chỉ được truyền miệng qua các thế hệ. Lịch tính theo mười hai con giáp, ngày khởi đầu là ngày Tuất và kết thúc bằng ngày Dậu. Tháng ít có 29 ngày, tháng nhiều có 30 ngày. Một năm không tính theo tháng mà tính thành bốn mùa, cứ ba tháng của người Kinh là một mùa của người Hà Nhì.

Tất cả mọi việc, từ cúng tổ tiên, lễ, tết, hay các tập tục trong việc cưới, việc tang, lễ xuống đồng… đều dựa vào cách tính ngày tốt, xấu của lịch để làm. Đặc biệt, Tết của người Hà Nhì không thống nhất về thời gian nhưng lại giống nhau ở cách chọn ngày. Ngày đầu của tết phải là ngày rồng tháng chuột theo lịch tính riêng của người Hà Nhì.

 

  • Ngày Rồng tháng Chuột làm lễ lớn

 

Những ngày lễ tết của người Hà Nhì thường bắt đầu vào ngày rồng, bởi họ quan niệm Rồng là linh vật mạnh, ngày Rồng thực sự là “ngày của Thánh thần”, lúc ấy các vị thần sẽ xuống kiểm tra công việc và cuộc sống mà con người đã làm được trong năm qua.

Trước hết phải kể đến ngày Tết truyền thống Hồ Sự Chà, tổ chức qua hai lần. Người Hà Nhì thường chọn 3 ngày trong tháng con chuột (Hu-Pa-La), tức là khoảng thời gian vào tháng 11 dương lịch để ăn tết. Thạc sĩ Ngô Thu Thảo giải thích đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có, cũng là lúc thư nhàn nhất; mọi công việc đồng áng của vụ trước đã gọn ghẽ, xong xuôi, vụ sau thì chưa bắt đầu.

"Người ta gọi Tết Hồ Sự Chà là Tết con rắn, lại được tổ chức vào ngày Rồng. Không phải tự nhiên mà họ chọn ngày như vậy, bởi họ quan niệm rồng rắn lên mây, cái lộc cái may mắn cứ thế phát triển lên, kéo dài từ tháng này qua tháng khác, từ ngày nọ sang ngày kia" - Th.s Thảo nói.

Xem gan lợn để đoán định một năm mới - một tập tục không thể thiếu trong Tết Hồ Sự Chà. Ảnh:baomoi.com

Từ sáng sớm, các gia đình dâng một mâm lễ vật đủ đầy các món, vừa để cúng thông báo năm cũ đã qua, một năm mới đã đến, vừa là mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Lúc này, các bậc trưởng lão ngồi bên mâm rượu ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc; nói với nhau những ước nguyện sâu xa về dâu hiền cháu thảo, về kinh nghiệm mùa màng…

Tục này, theo bà Chu Thùy Liên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, còn gọi là “chựng cư”: Sáng mùng 1, người Hà Nhì quây quần bên nhau mổ gà, mổ lợn ăn. Người đại diện cao nhất của gia đình dòng họ hát truyền để con cháu biết dòng họ mình truyền từ đời nào đến đời nào, đến đời này là đời thứ bao nhiêu.

Việc "chựng cư" trong 1 dòng họ, 1 gia đình, người ta gọi là kể, là nói chuyện về phong tục của dòng họ đó, đọc gia phả dòng họ của mình từ khi khởi nguồn cho đến lúc mà họ đang ngồi cùng nhau ăn miếng bánh trôi đó, miếng thịt đó, là đời thứ bao nhiêu, kiêng cữ ra sao, rẽ nhánh thế nào.

Ngày Rồng đầu tiên của tháng Chuột còn là thời điểm để người Hà Nhì “góp cỗ” cho những gia đình khó khăn: "Ngày tết của người Hà Nhì bao giờ cũng khuyến thiện. Thời kỳ gian khó, người ta có một đội thanh niên nam nữ chưa xây dựng gia đình mang trống mang chiêng đến từng nhà kêu gọi góp cỗ, và cỗ đó được dành cho các nhà thất cơ lỡ vận, các nhà neo đơn, và người ta sẽ chia cho các nhà đó.

Đặc điểm nữa của người Hà Nhì, ngày xưa người ta thường mở cửa nhà cho khách thập phương đến. Bất cứ một ai trong cuộc đời còn bị đói, ăn không no thì ngày đó có thể đến nhà người Hà Nhì ăn một bữa cơm, đó là cái chất nhân văn trong cuộc sống người Hà Nhì" - nhà thơ Chu Thùy Liên phân tích.

Lần ăn tết thứ hai bắt đầu vào ngày con Rồng tiếp theo. Khi ấy mới chính thức bước vào năm mới. Trong ngày Tết này, quan trọng nhất là tục lấy nước. Mỗi nhà bỏ 3 ống tre vào gùi ra giếng nước đầu bản để múc nước, giếng này chỉ mở cửa vào ngày Rồng đầu tiên trong năm, trước khi múc thì phải thắp hương. Người Hà Nhì quan niệm lấy nước giếng làng vào sáng mùng 1 sẽ mang đến vận may cho gia đình cả một năm.

Thạc sỹ Ngô Thu Thảo cho biết: Khi lấy được nước rồi thì cố gắng không để nước rơi ra ngoài. Nếu trong ống nước có con côn trùng nào thì cũng cứ thế đem về bởi đấy là lộc trời ban. Sau đó, họ mang nước về để cạnh bàn thờ. Phụ nữ Hà Nhì thể hiện sự khéo léo bằng cách gói bánh dày ngon, nấu bánh trôi từ nước giếng thiêng để dâng cúng tổ tiên.

Đến ngày Thìn sau đó, người Hà Nhì tổ chức lễ cúng rừng già Gạ Ma Thu để tạ ơn thần rừng, sau đó tổ chức tết cho thiếu nhi. Tết này người Hà Nhì có thể chọn ngày khác, nhưng nhất định phải vào tháng Chuột. Đó là thời điểm linh thiêng với đất trời, mọi vật vào thời kỳ chuyển hóa, là giai đoạn trong trẻo nhất, hội tụ nhiều khí thiêng của sông núi. Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.

Trước ngày lễ chính, cả cộng đồng đóng góp tiền của, mua sắm lễ vật, lợn, gà và bỏ công sức để tổ chức lễ tại rừng thiêng. Mọi người cùng nhau tổ chức các nghi thức cúng rừng theo sự hướng dẫn của 2 ông thầy mo. Thầy mời tất cả các vị nhân thần cũng như nhiên thần ở vùng đất ấy, những người khai sáng bản mường, thần vách đá, thần tổ ong, thần cây, thần suối... đến để thụ hưởng lễ vật.

Cũng ở trong rừng ấy, đàn ông trong bản sẽ có một bữa ăn cộng cảm, nhưng chỉ ăn ở trên rừng, nước làm đồ ăn phải chôn trong rừng, làm kín. Sau khi cúng rừng xong sẽ về nhà ông mo, tiếp tục cộng cảm ở đó một bữa cơm chung, làm những món ăn của dân tộc, mặc trang phục dân tộc và về nhà mình mời tổ tiên về.

Tính linh thiêng trong lễ cúng rừng xuyên suốt trong quá trình hành lễ cho đến khi kết thúc là một bữa ăn cộng cảm mang tính thiêng, chia sẻ lộc của thần cho các thành viên trong cộng đồng. Trước khi về, thầy mo thắp hương xin phép thần rừng cho mọi người trở về nhà được bình yên.

Buổi tối ngày Thìn, tại mỗi gia đình đều làm lý cúng tổ tiên giống như buổi sáng. Như vậy là kết thúc ngày Thìn của tháng giêng với chùm lễ hội khép kín, từ phạm vi gia đình mở rộng đến cộng đồng, từ lễ cúng thần nước và thần rừng, kết lại là lễ cúng tổ tiên tại gia đình.

Một ngày tết khác, quan trọng với người Hà Nhì, là tết Khô già già, tổ chức  vào ngày rồng, tháng chuột, giờ dê. Theo tiếng Hà Nhì, “khô già già” có nghĩa là "bội thu". Đây là lễ hội cầu mùa tôn thờ và tri ân các vị thần bảo vệ mùa màng. Theo truyền thống, Tết này được tổ chức trong 4 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn của tháng 6 âm lịch, bởi Rồng cũng là thần thổ địa, thần bảo hộ con người, thần bảo hộ chăn nuôi, thần bảo hộ mùa màng.

Ngày Thìn trong tết Khô già già còn gọi là ngày "Ngũ cốc được mùa", là thời điểm quan trọng nhất để “tế ruộng”, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân bản được ấm no.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC