Người Hà Nhì cúng bánh trôi dịp tết
Thứ ba, 00:00, 01/08/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Trong mâm lễ dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên vào ngày tết, mỗi dân tộc chọn cho mình một lễ vật không thể thiếu. Với dân tộc Hà Nhì, chiếc bánh trôi giản dị, nhỏ bé, lại vô cùng thiêng liêng.
  • Bánh trôi không thể thiếu trong ngày Tết

 

Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, bà con dân tộc Hà Nhì tổ chức đón Tết “Hồ Sự Chà”. Ngày Tết truyền thống này tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Đây được coi là ngày tết quan trọng nhất đối với người Hà Nhì và bánh trôi được coi là lễ vật thiêng liêng nhất trong ngày này.

Theo tập tục truyền thống, tết của dân tộc Hà Nhì được tổ chức vào ngày con Rồng đầu tiên của tháng 12 Dương lịch, sau khi được sự bàn bạc thống nhất của hội đồng già làng, trưởng bản. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có. Bởi vậy, mâm cỗ dâng lên tổ tiên luôn đủ đầy, gồm cả các món mặn và món chay. Trong đó có 5 món không thể thiếu là thịt lợn, bánh trôi, rượu, gạo và lá chè tươi.

Bánh trôi - món ăn không thể thiếu trong ngày lễ,tết của người Hà Nhì. Ảnh: baomoi.com

Trong ngày tết đầu tiên, từ lúc sáng sớm, khi tiếng gà gáy mới cất lên, các gia đình chuẩn bị làm bánh trôi (Chà lẹ).

 Mâm cúng sáng ngày thứ nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên là những sản vật trồng trong vườn nhà, lấy mỗi thứ một ít, như bát nước chè, bánh dày, rượu, gừng, gói muối ớt, thịt lợn, các loại hoa quả. Và đặc biệt không thể thiếu bánh trôi. Suốt mấy ngày tết, mâm cỗ của người Hà Nhì được thay đổi liên tục, có đủ các món ăn truyền thống như xôi nếp, lòng dồi, tiết canh, nước chấm, rau sống… các món luộc, món nướng, món canh..., gọi là mời tổ tiên thưởng thức hết những gì gia đình mình sẽ ăn. Nhưng dù thay đổi các món thì vẫn có sự hiện diện của đĩa bánh trôi.

Không chỉ dành chiếc bánh trôi để dâng lên tổ tiên, mà đó còn là lễ vật để người Hà Nhì đem biếu ông bà, bố mẹ trong ngày Tết. Những bậc cao niên trong cộng đồng Hà Nhì sẽ rất vui khi nhận được những sản vật đậm đà tình quê, đó là: bánh dày, thịt lợn, rượu và bánh trôi.

Người Hà Nhì chỉ làm bánh trôi không nhân và gạo được sử dụng để làm bánh trôi có thể là gạo nếp nương và cả gạo tẻ. Nhưng đồng bào ưa chuộng hơn cả là loại nếp nương của riêng người Hà Nhì, dòng gạo do chính các gia đình tự trồng cấy được trong năm. Gạo nếp nương này sẽ được chuyên dùng làm các loại bánh trong ngày tết và các lễ hội của đồng bào, như bánh chưng, bánh dày, bánh trôi. Đây là loại nếp phù hợp nhất, không chỉ nổi tiếng cả vùng cao mà đã chinh phục được cả những thực khách khó tính khi đến Tây Bắc. Hạt gạo nhìn bề ngoài có nét thô, mộc mạc như tấm lòng chân thành và hiếu khách của người Hà Nhì, nhưng khi đồ xôi hoặc làm bánh thì dẻo thơm vô cùng. Xôi nếp dai và mềm mãi ngay cả khi để nguội hai ba ngày sau.

Nếp Hà Nhì là đặc sản lúa nương canh tác theo phong tục của đồng bào ở các địa phương có người Hà Nhì sinh sống như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai…, và chỉ được thu hoạch một vụ trong năm. Nhìn bề ngoài, hạt gạo khá giống với lúa nếp nguyên liệu miền Nam. Tuy nhiên có thể phân biệt nhờ tỷ lệ hạt trong khá nhiều và khi ra thành phẩm thì dẻo và thơm hơn.

Gạo nếp nương ngâm qua đêm rồi xay thành bột, nhào đến khi hỗn hợp mềm mịn thì nặn thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì, viên nào viên nấy tròn đều tăm tắp. Cho nước vào nồi đun lên, khi nước sôi, thả bánh vào, rồi đun lửa nhỏ. Đun đến khi bánh nổi lên trên mặt nước là chín, vớt ra để ráo nước rồi mang cúng. Hoặc khi chín, có thể thả tiếp vào nồi nước lạnh để bột bánh không bị dính lại với nhau.

 

  • Bói thiên địa nhân qua chiếc bánh trôi

 

Trong mâm cúng tổ tiên, người Hà Nhì dâng các sản vật theo từng cặp, gồm: bánh chưng, bánh dày, hai chai rượu, hai đĩa xôi, hai đĩa thịt lợn, hai gói muối… Nhưng riêng bánh trôi, chủ nhà sẽ dâng 3 cái lên bàn thờ. Vì sao lại là con số 3 mà không phải là những số khác?

Người Hà Nhì quan niệm, tổ tiên là các đấng bề trên đáng kính, nên bánh dâng cúng phải to hơn bánh thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu. Lễ cúng bánh trôi được tiến hành trước cả việc mổ lợn, vốn được coi là bước quan trọng để “làm lý”. Sau lễ cúng bánh trôi, mọi hoạt động của ngày Tết mới được tiếp diễn một cách thuận lợi và vui vẻ.

Vào ngày Rồng, người phụ nữ chính trong gia đình người Hà Nhì sẽ phải nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, luộc chín, vớt ra một tấm lá chuối tươi. Sau đó, bà rắc thêm một chút bột vừng rang chín, đặt lên mâm rồi đưa vào gian thờ gia tiên để người chồng làm lý cúng.

Người Hà Nhì luộc bánh trôi. Ảnh: baomoi.com

 Người phụ nữ được làm công việc này phải là người phụ nữ chủ gia đình, nếu là nhà có nhiều thế hệ thì phải là bà, là mẹ, là vợ của chủ nhà, chứ con gái, con dâu không được làm. Điều này thể hiện tính hệ trọng trong việc cúng bánh trôi. Và 3 chiếc bánh trôi mang cúng này phải được nặn trước, khi bột nếp còn trắng trong, nặn để riêng thờ, sau đó mới nặn tiếp các bánh nhỏ hơn, để lên đĩa cúng trong các ngày tết còn lại.

Chọn 3 bánh trôi to tròn để dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, người Hà Nhì muốn tính cuộc đời của mình qua chiếc bánh. Mỗi chiếc tượng trưng cho một yếu tố. Theo phân tích của nhà thơ Chu Thùy Liên, người dân tộc Hà Nhì, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên: Tùy theo điều kiện của gia đình và từng điều kiện của từng vùng đất, sẽ có 3 viên bánh trôi rất to, đại diện cho Thiên, Địa Nhân - trời, đất và con người. Đến khi hết lễ tết, người ta sẽ thả bánh trôi ấy vào trong bếp than, và khi bánh trôi nở ra rất to, người ta nghĩ rằng những thứ đó sẽ phát triển.

Chỉ thông qua chiếc bánh trôi, người Hà Nhì tin những gì nên làm, những gì  cần cẩn trọng trong năm tới. Chiếc bánh nào sau khi bỏ lò mà nở phồng nhất, thì gia đình sẽ thuận lợi nhất về phương diện đó. Nhà thơ Chu Thùy Liên phân tích: Ví dụ cái bánh này người ta ngầm đặt cho nó là đại diện cho Thiên, bánh trôi đó không nở thì đương nhiên khí hậu không thuận cho mùa màng, cây cối. Còn cái bánh Địa biểu tượng cho sự sinh sôi phát triển về cây trồng vật nuôi, nếu không nở thì năm đó có thể mất mùa, vật nuôi không phát triển được. Còn viên đại diện cho con người mà không nở thì năm đó nhà sẽ có mất mát con người.

Bởi vì bánh tròn đều giống nhau nên cần sự quy định từ trước. "Người làm 3 cái đó là người mẹ, sẽ nói với người cha rằng đây nhé tôi làm 3 cái bánh trôi to này, cái này đại diện cho trời, cái này đại diện cho đất và cái này đại diện cho con người. 3 cái bánh này đặt trên bàn thờ. Kết thúc ngày tết thì người ta lấy cái bánh trôi đó xuống để nướng vào lửa, để đoán định những công việc trong 1 năm. Bánh đó chỉ dùng để thờ và làm cái lý"- nhà thơ Chu Thùy Liên chia sẻ.

Cái lý của đồng bào thể hiện qua chiếc bánh trôi, có thể tốt, có thể xấu, nhưng vì cúng bánh trôi vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ với năm mới - được coi là thời điểm thiêng liêng, nên người Hà Nhì vẫn tin vào điều tốt. Và theo tâm linh, họ lại có những giải pháp để gia đình ổn định. Nếu thấy chiếc bánh nào không nở, cả gia đình sẽ lại làm một cái lễ ngay sau đó, nhỏ thôi, để cầu mong việc đó trở nên may mắn, an lành.

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC