Người K'ho trêu đùa nhau trên đường đưa ma để người chết ra đi vui vẻ
Thứ sáu, 00:00, 22/09/2017 Việt Phú BT CT Việt Phú BT CT
VOV4.VN - Người K’ho có những nghi thức đặc biệt trong tang ma, như tục tát bùn, bôi nhọ nồi vào những người đi đưa ma. Khi đưa người chết đến nghĩa địa đã đào sẵn huyệt, người ta sẽ giết một con vật hiến sinh để thông báo với thần linh, với tổ tiên người quá cố để biết và đón nhận người chết.

 

Quan niệm về cái chết của người K'ho

 

Giống như đồng bào nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, người K’ho quan niệm có hai loại chết là chết lành và chết dữ. Nếu như chết lành là do ốm đau bệnh tật, già yếu, là chuyện tất yếu của quy luật vòng đời, thì chết xấu thực sự rất đáng sợ. Bởi những cái chết đó sẽ ảnh hưởng không chỉ gia đình mà cả cộng đồng, làng bon.

Ông K’bró, ở thôn Ka Minh, xã Gung Ré, huyện Di Linh, Lâm Đồng, cho biết: chết đường chết chợ, chết do tai nạn giao thông, tai nạn lao động đều là những cái chết xấu. Những người này thường là bị ma ám hại nên mới chết như vậy. Với những trường hợp như thế, tuyệt đối không được đưa xác chết vào làng.

Người K’Ho quan niệm người chết chỉ đến sinh sống ở một làng khác, mà ở đó cuộc sống cũng diễn ra như ở dương trần. Họ cũng có anh em họ hàng, cũng làm việc. Họ sẽ cùng những người trong làng đi phát rẫy, làm chòi và sống rải rác. Rồi tìm cách trốn sang thế giới cực lạc, nếu trốn thoát họ sẽ đầu thai được, còn nếu bị bắt lại thì sẽ ở lại đó suốt đời hoặc sinh ra sẽ chết

Với người chết trẻ, hay chết khi mới chào đời, hoặc chết do sảy thai, thì người K’ho cũng có những quan niệm đặc biệt. Những người bị chết do sảy thai, khi về thế giới bên kia thường làm quan, được tôn sùng.

 

Trống ba nhịp báo chuyện buồn

 

Người K’ho biết trong cộng đồng có người vừa chết khi nghe tiếng trống, tiếng cồng chiêng. Gia đình tang chủ sẽ đánh ba nhịp trống liên tiếp, dồn dập. Dân làng kéo đến để cùng lo hậu sự cho người quá cố. Nếu là anh em họ hàng gần gũi, họ sẽ mang theo lễ vật. Người nào không có lễ vật thì có thể đến giúp việc cho gia đình.

Tang lễ của người K’ho thường diễn ra trong vòng 4 ngày. Ngày thứ nhất, thông báo cho họ hàng, làng xóm. Ngày thứ hai và ngày thứ ba, chuẩn bị quan tài cùng những lễ vật. Người K’ho không bao giờ làm trước quan tài mà chỉ khi có người chết mới lên rừng chặt gỗ về đẽo. Quan tài thường được làm bằng những thân gỗ to, trang trí các con vật thân thuộc. Rồi họ tiến hành khâm liệm và cho thi thể người chết vào quan tài. 

Trước khi cho người chết vào quan tài, người K’ho sẽ tiến hành chia của, là những vật dụng, những đồ dùng mà khi còn sống người này vẫn sử dụng. Những vật dụng đó có thể để vào trong quan tài hoặc cho vào một cái chum. Tài sản mà người chết được chia phải kê khai với ông chủ làng, để chủ làng xem xét.

Trước khi đưa quan tài ra khỏi nhà, thường người K’ho sẽ làm lễ chia tay người chết. Họ cho quan tài chạm tường nhà 3 lần để người này còn lưu luyến và nhớ đến cái nhà của mình. Trước khi đem đi, họ xoay 3 vòng ý là người đi, hồn còn đây. Rồi họ khiêng từ nhà này sang nhà khác để người chết tạm biệt dân làng.

Khi đi được nửa đường, họ trải chiếu và để kiệu đi qua 3 lần để mong người quá cố ban phước lộc cho mình. Họ sẽ tiến hành đập bầu nước. Nước chảy là cách trở người sống và người chết, không còn gặp nhau nữa. Sau đó, không có tiếng khóc, không có tiếng trống, không có tiếng kèn, dân làng mang người chết đi chôn.

Khi tiễn người chết ra nghĩa địa, những người đưa tiễn thường pha trò hoặc trêu đùa nhau để người chết vui vẻ mà ra đi. Ông K’sung, ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, cho biết, khi đưa tiễn người chết, người K’ho còn bôi nhọ nồi lên mặt và đóng giả làm hai phe chơi ném bùn và đuổi nhau. Bên đóng giả người luôn là bên thắng cuộc. Cuộc chơi mang  mục đích chính là xua đuổi tà ma.

Xưa, người K'ho thường chôn người trong cùng gia đình chung một huyệt. Khi chôn cất xong, trong vòng 7 ngày, gia đình có người chết sẽ mang cơm rượu đến để cúng bái vong hồn người chết. Họ dựng chòi, trồng cây cho người chết để tỏ lòng thương nhớ và mong cho người chết có một cuộc sống cũng đầy đủ như ở dương trần.

 

 

 

Việt Phú/VOV4 

 

 

Việt Phú BT CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC