Người La Hủ và câu chuyện nguồn gốc tộc người
Thứ sáu, 00:00, 12/01/2018 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN - Người La Hủ thường tự hào giải thích về cái tên của tộc người mình rằng: La là hổ, Hủ là sóc, La Hủ nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc. Họ cũng giải thích về nguồn gốc tộc mình bằng sự tích nạn hồng thủy và truyện quả bầu.


Xưa có một trận lụt lớn, nước ngập mênh mông, người Cống, người Thái ở trên thuyền nên nhiều người còn sống, người La Hủ bị chết hết, chỉ còn hai anh em ở trên bè. Về sau nước rút, hai anh em (một trai, một gái) tìm thấy một quả bầu, bổ ra thấy hai hạt mới đem trồng. 

Dây bầu lớn lên chỉ đậu được hai quả: một quả dài, một quả ngắn. Hai anh em đưa nhau lên núi cao thả hai quả bầu xuống. Quả bầu ngắn thì ngửa, quả bầu dài thì sấp chồng lên trên. Hai anh em thấy xấu hổ, ngước nhìn lên trời, nhưng bầu trời tối đen vì ánh sáng bị tán cây che khuất. Ở dưới đất không còn ai, nên hai anh em phải lấy nhau, sinh con đẻ cái, đó là con cháu của người La Hủ sau này.


Phụ nữ La Hủ trong trang phục truyền thống. Ảnh: baotintuc.vn

Theo TS Mai Thanh Sơn, Trưởng phòng Dân tộc học và Nhân học (Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), người La Hủ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, tập trung đông nhất ở Trung Quốc, một  phần ở Thái Lan, Lào và ở Việt Nam.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Hủ ở Việt Nam có dân số khoảng hơn 9.000 người, cư trú tại 16 tỉnh, thành phố. Ngoài Lai Châu, người La Hủ ngày nay có mặt ở Thái Nguyên khoảng 20 người, và các tỉnh còn lại không nhiều hơn 10 người.

“Người La Hủ xa xưa có nguồn gốc từ các bộ tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. Theo đánh giá của các nhà dân tộc học, nhóm cộng đồng người này có nguồn gốc tại chỗ. Sự có mặt của người La Hủ ở Việt Nam, ở vùng đất hiện tại cũng khoảng 300 – 400 năm” – ông Sơn nói.

Cùng với tên tự nhận là La Hủ, tộc người này còn có tên gọi khác là Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Kha Quy, Cọ Sọ, Nê Thú với nhóm địa phương là La Hủ na (tức La Hủ đen), La Hủ sư (tức La Hủ vàng) và La Hủ phung (tức La Hủ trắng). Ngôn ngữ của người La Hủ gần nhất với ngôn ngữ của người Di, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. Dù chia làm 3 nhóm như vậy nhưng họ đều hiểu ngôn ngữ của nhau rất rõ.

“Người La Hủ có quan hệ về mặt nguồn gốc, về ngôn ngữ rất sâu với các cộng đồng nói ngôn ngữ Chi Di. Ví dụ ở Trung Quốc có một bộ phận người Chi Di, ở Việt Nam có người Lô Lô, người Hà Nhì, người Phù Lá, người Si La hoặc là người Cống. Hiện tại bộ phận người La Hủ ở Việt Nam họ tự chia thành 3 ngành: La Hủ Sư, La Hủ Pung và La Hủ Na. Nhưng trong thực tế sự khác biệt rất ít. Các nhóm La Hủ có thể nói được ngôn ngữ của nhau, người ta hiểu nhau rất  rõ. Hiện tại người La Hủ khá đồng nhất về văn hóa, ngôn ngữ, và về ý thức tự giác tộc người” – ông Sơn nhận định.

 

 

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC