Đúng ngày cưới, sau khi tổ chức xong bữa tiệc cưới buổi trưa tại gia đình nhà gái, chiều tối cùng ngày, cô dâu, chú rể, cùng đại diện hai bên gia đình sẽ đưa thủ lợn, cùng một số đồ lễ sang nhà ông bà ngoại của cô dâu. Nếu không còn ông bà ngoại nữa, thì người nhận thủ lợn sẽ là anh trai mẹ cô dâu, hoặc em trai mẹ cô dâu (tức là bác, hoặc cậu ruột của cô dâu). Bên ngoại của cô dâu sẽ tổ chức bữa cơm chúc mừng hạnh phúc cho vợ chồng con cháu.
Đám cưới của người Thái. Ảnh: baomoi.com Ông Lừ Văn Đanh, ông mo, ông mối ở bản Nà Và, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: “Con cháu mà lấy chồng, tức là đến ngày đám cưới tổ chức xong, thì chúng tôi phải đưa các thủ tục đầy đủ. Trước tới nay thì phải có đầu lợn để đưa cho ông bà ngoại, bên họ ngoại, để họ mừng, vui và chúc tụng cho con cháu thành duyên vợ chồng, xây dựng hạnh phúc trăm năm với nhau. Đồng thời thể hiện tấm lòng của con cháu đối với ông bà ngoại, bên họ ngoại công nuôi dưỡng, công chăm sóc con cháu để trưởng thành”. Đồ lễ mang theo cùng thủ lợn, gồm có một đùi trước của con lợn, một miếng xương sườn lợn khoảng 2kg, phủ tạng lợn mỗi thứ một ít, một con gà luộc chín, một gói thịt lợn băm nướng gói lá chuối, hai giỏ cá phơi khô hoặc treo gác bếp (mỗi giỏ 2 con), một giỏ trứng gà chưa luộc (2 quả), hai cặp lá trầu cau (mỗi cặp 4 lá), một giỏ củ gừng tươi (2 củ) kèm theo một túi hạt vừng, một chum rượu cần, khoảng 2 lít rượu trắng; dọn một mâm cỗ đầy đủ của tiệc cưới. Tất cả những món thịt làm đồ lễ này đều được nấu chín, trừ bát tiết canh lợn. Con số 2 của đồ lễ chính là tượng trưng cho cô dâu và chú rể, với mong muốn cô dâu chú rể luôn biết trân trọng tình cảm, sống hạnh phúc trọn đời bên nhau. Thủ lợn và các đồ lễ kèm theo đều do bên nhà trai đảm nhận và được mang lên bàn thờ tổ tiên để cúng, báo cáo với tổ tiên bên ngoại của cô dâu, rằng con cháu đã lớn khôn, chính thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhà trai cũng bày tỏ sự biết ơn công lao nuôi nấng sinh thành đối với ông bà cha mẹ của cô dâu. Sau khi cúng xong, bên nhận thủ lợn là nhà ông bà ngoại cô dâu sẽ tổ chức bữa cơm thân mật mời anh em, họ hàng, bà con lối xóm đến cùng chung vui, chúc mừng hạnh phúc cho vợ chồng hai cháu. Gia đình cũng có những món quà lưu niệm cho cô dâu chú rể như tiền, bạc trắng, vải thổ cẩm, đồ dùng gia đình…thể hiện tấm lòng của ông bà ngoại, tạo điều kiện ban đầu cho con cháu xây dựng hạnh phúc gia đình. Tục mừng thủ lợn trong đám cưới tuy không mở rộng, ít tốn kém, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được người Thái duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc
|
Người Thái mang thủ lợn mừng đám cưới
Thứ sáu, 00:00, 09/02/2018
VOV4.VN - Đám cưới của người Thái ở Yên Châu, Sơn La, được tổ chức trang trọng, và có một nét đặc sắc riêng là không thể thiếu tục mừng cưới bằng thủ lợn.
Viết bình luận