Giống như thổ công, thổ địa, trong quan niệm của người dân ở Khe Vác, rừng thiêng cũng là biểu hiện tâm linh bảo hộ bình an, sức khỏe, sung túc của mỗi thành viên thôn bản.Theo anh Hà Văn Châu, thì qua bao đời, bà con nơi đây vẫn lưu truyền cho nhau những câu chuyện về sự linh thiêng của khu rừng này.
"Chính vì những câu chuyện được thiêng hóa truyền lại từ đời cha ông mà con cháu đời sau ở Khe Vác nhất nhất thành kính khi bước vào rừng thiêng, chấp hành những kiêng kị mà cha ông đặt ra. Không chỉ là nghiêm cấm chặt cây mà còn không được săn thú, nói to, nói bậy trong rừng. Hàng năm, cứ vào dịp mùng 2 tháng giêng, mùng 10 tháng 3 và tháng 7 âm lịch, các chủ gia đình ở thôn Khe Vác sẽ tề tựu tại miếu thờ trong rừng thiêng, khấn cầu thần rừng phù hộ, che chở người dân được mạnh khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt" - anh Hà Văn Châu cho biết.
Khe Vác là một thôn người Tày thuộc xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Người dân Khe Vác vào thăm miếu thiêng. Ảnh: Hoàng Minh
Theo tập tục cúng thần rừng ở Khe Vác, đúng 8h sáng ngày tổ chức lễ cùng rừng, các chủ gia đình trong thôn phải có mặt đông đủ tại miếu thờ, cùng quét dọn, sửa sang lại miếu và bày biện lễ vật. Mỗi gia đình mang theo gà hoặc thịt lợn, một bát gạo, chai rượu, thẻ hương để góp lễ cúng rừng.
Thầy mo có nhiệm vụ dâng hương, khấn báo với thần rừng về tình hình lao động sản xuất của bà con, dịp mùng 2 tháng giêng thì thỉnh sức khỏe, tài lộc, dịp tháng 3 khấn cho lúa chiêm nặng hạt, dịp tháng 7 cầu vụ mùa trĩu bông, cầu thần rừng che chở cho Khe Vác quanh năm mưa thuận gió hòa.
Khấn cầu xong, thầy mo mời đại diện các gia đình lên uống chén rượu lộc. Những gia đình có mong muốn riêng khác như tậu trâu, dựng nhà, lấy vợ cho con, có thể nhờ thầy mo khấn giúp sau đó. Xong xuôi các thủ tục, người dân Khe Vác cùng chế biến lễ vật rồi dọn ra trước miếu cùng ăn uống vui vẻ.
Ông Lý Văn Tuấn, ở xã Bắc Lãng, kể: Rừng thiêng ở Khe Vác linh thiêng đến mức những thầy mo học nghệ chưa thông thì không dám nhận chủ trì lễ cúng này. Thầy mo luôn phải là người đến miếu đầu tiên và ra về sau cùng trong mỗi dịp cúng thần rừng.
Với người Tày ở Khe Vác, rừng thiêng không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong văn hóa tâm linh mà còn có ý nghĩa lớn lao trong đời sống lao động sản xuất. Rừng thiêng là nơi che chở mưa gió và mang lại nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho ruộng lúa, cho dân bản những cây thuốc quý trị bệnh cứu người.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận