Ông Phản Phu Lô, ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: Người La Hủ có một hệ lịch riêng gồm 13 con giáp. Tết cổ truyền của dân tộc thường tập trung vào nửa cuối tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, tùy từng gia đình, bà con chọn ngày đẹp để ăn tết trong tháng ứng với tuổi của từng gia chủ và đặc biệt kiêng ăn tết vào những ngày con Khỉ, Hổ, Chó, Rắn và ngày bố, mẹ qua đời.
"Tết cổ truyền của người La Hủ theo truyền thuyết từ xa xưa để lại. Trong tháng, bà con tổ chức cả tháng, tuần này thì bản này, tuần sau là lại bản khác để đến thăm chúc tết nhau. Khi đi chơi mang quà đi biếu và khi về cũng có quà của bà con biếu lại. Từ đó, tình đoàn kết của bà con dân tộc mình được thắt chặt, giúp nhau để có cái tết đầm ấm hơn" - ông Lô bảo.
Người La Hủ trong trang phục truyền thống
Khi những bông hoa đom đóm nở trắng các sườn đồi, người La Hủ bắt đầu chuẩn bị ăn tết. Mỗi người một việc, người phụ nữ tất bật lên rừng tìm củi về dự trữ để đảm bảo đủ chất đốt trong những ngày tết. Nhà cửa, khuôn viên quanh nhà được những người đàn ông dọn dẹp sạch sẽ; quần áo, chăn màn được giặt sạch phơi rực cả bản làng, tạo lên một không gian rực rỡ sắc màu giữa núi rừng đại ngàn.
Các gia đình tổ chức gói bánh, giống bánh tét của người Kinh. Bánh sau khi nấu chín, chủ nhà sẽ phát cho các cháu nhỏ cầm đi chơi tết. Theo quan niệm của đồng bào, việc phân phát bánh cho các cháu nhỏ đi chơi đầu năm là thể hiện của sự no đủ và sung túc. Con cháu mang bánh đi trong ngày tết là cầu mong gia đình trong năm đó sẽ luôn có cái ăn, không bị cảnh đói khổ.
Vào dịp tết, nhà nào cũng phải mổ lợn. Dù giàu hay nghèo, mỗi nhà đều phải có một con lợn khỏe mạnh mổ để xem gan. Lợn được những chàng trai khỏe mạnh đem ra bờ suối mổ, mổ lấy gan ra đầu tiên để chủ nhà xem lý. Theo người La Hủ, lợn là con vật gần gũi với người, nên xem gan đầu năm sẽ biết được vận hạn của gia đình, láng giềng trong năm mới. Phần gan nhỏ dính mật là xem riêng trong gia đình; phần gan lớn hơn là xem chung cho cộng đồng làng bản. Nếu phần gan to tươi màu, phẳng đều thì cộng đồng dân bản sẽ có vụ mùa bội thu, no đủ, đoàn kết.
Người La Hủ cúng tổ tiên trên đầu giường nằm của gia chủ. Lễ vật chỉ có một bát cơm đặt trên cái mẹt. Vào giờ tốt của buổi sáng, chủ gia đình sẽ đơm một bát cơm đầu tiên của nồi cơm mới, bỏ vào một cái mẹt bê đến giữa giường của mình thường ngủ và cúng, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu.
Ngày tết, ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp để đi chơi, đi chúc tết. Trang phục của nam giới rất đơn giản, quần áo đều màu chàm hoặc màu đen. Nữ giới mặc áo dài may ống tay hẹp, can bằng nhiều khoanh vải màu xanh, trắng, đen, đỏ.
Người La Hủ rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre và nhiều loại đàn riêng biệt.
Xa xưa, đồng bào La Hủ thường làm nhà lều tạm bợ rải rác ở trong rừng, trên nương, trên núi cao. Nhà lợp lá xanh, đến khi lá vàng thì chuyển làm nhà khác nên người La Hủ thường có tên là “Xá Lá Vàng” - Nghĩa là luôn phải mới. Ngày nay, đồng bào La Hủ đã ở tập trung trong những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn. Bản làng người La Hủ thường ở trên sườn núi đất cao, mỗi bản quây quần vài chục nóc nhà.
Là một dân tộc thiểu số có dân số khoảng 10 nghìn người, đồng bào luôn gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận