Người Thái quan niệm rằng con người sống luôn có hồn vía của người âm. Những người thân đã khuất đi cùng, phù hộ độ trì cho mình mọi nơi, mọi lúc, nhất là những lúc đi xa nhà, thăm anh em họ hàng, bạn bè, cũng như trong các đám hiếu, hỷ…
Từ người già đến người trẻ, trước khi ăn uống, mọi người đều không quên rót đi vài giọt rượu của chén đầu tiên, với tâm niệm luôn tưởng nhớ đến người âm đang vô hình đâu đó quanh mình. Lúc có ăn có uống cũng không dám dùng trước, mà mời họ ăn uống trước, sau đó mọi người mới ăn uống chúc tụng nhau.
Mâm cơm đãi khách của người Thái. Ảnh: baomoi.com
Ông Tòng Văn Xôm, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, cho biết: “Tâm niệm của người Thái là lúc nào, ở đâu cũng có hồn vía của người chết, người ta đi theo mình, lúc mình ăn uống họ cũng đòi ăn, nếu mình không làm như vậy thì họ không được ăn. Ngồi vào mâm thì cầm chén rượu lên phải đổ xuống sàn nhà để cho cái hồn, cái vía của những người đã khuất đi theo mình uống trước. Làm như thế, họ được ăn rồi, thì họ sẽ luôn luôn phù hộ độ trì cho mình, làm cái gì cũng suôn sẻ, gặp nhiều may mắn”.
Không chỉ rót đi vài ba giọt rượu đầu tiên trước khi ăn uống, nhiều người còn lấy 1 miếng cơm, 1 miếng thịt và 1 chén rượu trong mâm, ném đổ ra ngoài nhà cho người âm ăn trước. Những người làm thủ tục này thường là đã có bố hoặc mẹ, hay vợ hoặc chồng đã khuất. Còn lúc lên nương lên rẫy, vào rừng hái lượm, dù không uống rượu, nhưng khi ăn cơm mọi người vẫn thường lấy miếng cơm, miếng thịt ném ra ngoài, để mời các đấng thần linh ăn trước, làm như vậy trong tâm mọi người sẽ thấy thanh thản hơn.
Đây là một trong những thủ tục tuỳ tâm của mỗi người rất đơn giản, không tốn kém, không bắt buộc, mà cũng không có thưởng, phạt, được truyền từ đời này qua đời khác.
Đặc biệt, trong mâm cơm mời khách của người Thái, hoặc khi nhà có gia đình bên ngoại (tức bên vợ) đến ăn cơm cùng gia đình, thì lúc nào chủ nhà cũng phải có 2 chén rượu đặt cạnh nhau trên mâm cơm, thể hiện sự hiếu khách, kính trọng gia đình bên ngoại. 2 chén rượu này chỉ đặt trong mâm cơm, mà không ai được uống.
Chỉ đến khi cuộc vui kết thúc, khách xin phép ra về, thì 2 chén rượu này mới được gia chủ nâng lên trân trọng mời khách quý uống. Lúc đó, người được mời có thể uống luôn, hoặc rót san sẻ cho mọi người trong mâm cùng uống, coi đó là chén rượu phúc lộc chia cho mọi người cùng hưởng.
Ông Tòng Văn Xôm, bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, cho biết: “2 chén rượu này để tôn trọng người khách đó. Khi khách đến thăm thì cũng có hồn vía gia chủ của họ đến cùng, để họ được ngồi và được thưởng thức 2 chén rượu thờ ở góc bàn đó”.
Tục lệ rót đi vài ba giọt rượu đầu tiên trước khi ăn uống, hay tục rót 2 chén rượu thờ trong mâm cơm khi tiếp đãi khách vẫn được bà con người Thái duy trì cho đến ngày nay.
Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận