Vị thần đá trắng linh thiêng của người Hà Nhì
Thứ hai, 00:00, 18/09/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Ai đã một lần lên đỉnh núi Pa Thắng ở Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu, hẳn nhìn thấy hình ảnh “ông già đá trắng”, được coi là tâm hồn, vị thần núi của đồng bào Hà Nhì nơi đây. Quanh hòn đá thiêng này có rất nhiều câu chuyện kỳ bí được người dân kể lại. Hòn đá trắng sừng sững trên đỉnh núi, người Hà Nhì coi “A pó-ủ phú”- “ông già Đá trắng” là vị thần trấn ải, canh giữ nơi địa đầu biên cương, cho dân bản những vụ mùa bội thu.

  • Kỳ bí truyền thuyết về hòn đá trắng

 

Trên một quả đồi đất hoang vắng, nằm giữa dải rừng thâm u nơi núi rừng Pa Thắng, nổi lên một khối thạch anh màu trắng, cao khoảng 1,7m, chân đá rộng như một cái bàn lớn, vững chãi. Nhìn gần thì khối đá này gồ ghề, nhưng trông xa, khối đá như hình dáng một người đàn ông lớn tuổi, ngồi trầm tư với vẻ buồn u uẩn, mặt hướng về dòng suối lặng lẽ chảy dưới chân đồi.

Từ hình ảnh hòn đá trắng, bà con lưu truyền nhiều câu chuyện thần bí gắn liền với quá trình thiên di của người Hà Nhì:

"Ngày ấy, nơi đỉnh núi cao, mùa đông gió rít, mùa hè nắng nóng khắc nghiệt. Dân bản sống dưới chân núi khổ sở vì những cơn giận dữ của thiên nhiên. Cây rừng mỗi ngày một thưa đi, thú quý chẳng mấy khi tìm được. Họ bảo với nhau rằng: có lẽ các vị thần không hài lòng điều gì đó.

Dân bản quyết định lần theo hướng gió nóng, men theo rừng đến một nơi cao nhất để nhìn về 4 phương 8 hướng, tìm miền đất mới để sinh sống. Khi nghỉ chân trên đỉnh núi, họ thấy xuất hiện một tảng đá trắng muốt, lấp lánh giữa rừng xanh, quanh tảng đá có cả mây mù, nắng mưa bất chợt. Trở về bản, họ thấy cây xanh lên, thú rừng sẵn hơn. Họ cho rằng vị thần núi đã che chở. Và từ khi ấy, dân lập bản ở dưới chân tảng đá trắng linh thiêng này".

 

Tảng đá linh thiêng của người Hà Nhì.  Ảnh: VTC

Được bà con lưu truyền nhiều nhất về sự tồn tại của khối đá thạch anh này là câu chuyện “đá vọng thê”, đá chờ vợ. Theo nhà thơ Chu Thùy Liên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, truyền thuyết xưa kia kể về thời kỳ người Hà Nhì bị các dân tộc khác xâm lấn đất nước, họ phải di cư xuống phương Nam:

"Ngày xưa người ta không đánh nhau bằng súng đạn, mà đánh nhau bằng phép thuật. Có đôi vợ chồng người Hà Nhì chạy đến vùng Pa Thắng của Thu Lũm ấy, người vợ sờ lên đầu mình phát hiện đánh rơi cái khăn, mà người Hà Nhì quan niệm mình có 12 cái hồn, ngày xưa nam nữ Hà Nhì đều dùng khăn che đầu.

Người vợ giao con cho chồng và quay lại tìm khăn. Lúc đó, trong những kẻ truy đuổi có một người biết phép thuật, muốn ngăn bước chân của người Hà Nhì nên biến tất cả thành đá, biến cả con vật, đồ vật người Hà Nhì mang theo thành đá, Và người chồng chờ vợ ấy biến thành đá cùng với con"- bà Liên kể.

Cũng có nhiều người già kể lại rằng, người vợ không trở lại được với chồng là do lúc ấy mùa lũ, nước suối dâng cao chảy xiết. Chị ôm cây chuối vượt dòng nước xiết bơi sang. Nhưng thủy quái đã giữ chị lại mãi mãi với suối rừng. Người chồng ngày mong đêm đợi, khắc khoải mỏi mòn, anh ngồi trong mưa hát những câu nao lòng, ai oán:

“Em hóa con bướm bay đến với anh
Em đừng hóa con bướm cánh đen, viền xanh, vằn tím, đốm vàng
Nó là con bướm không lành
Con sâu róm hóa thành bướm
Em làm con bướm trắng
Bay dập dờn trong nắng
Con bướm lành đậu trên cánh hoa vàng, nương cải mẹ cha trồng…”

Hát mãi những câu ca buồn ấy, người chồng hóa thành thạch anh lúc nào không biết. Và người vợ, theo người Hà Nhì kể, cách bản Pa Thắng 14 km phía bên Trung Quốc có một hòn đá, mang dáng hình người vợ nhìn về phía Việt Nam. Hai người họ không gặp được nhau nữa. Đến bây giờ chỉ còn 2 hình dạng đá.

Câu ca ấy cũng lý giải cho thời điểm xuân về, bướm trắng từ bốn phương tám hướng lại rủ nhau bay về quanh hòn đá thiêng, quấn quýt, dập dờn…


  • Cái hồn từ những viên đá vô tri

 

Không chỉ có duy nhất hình ảnh “ông già đá trắng” ở Mường Tè, Lai Châu, mà người Hà Nhì ở nhiều vùng đất khác cũng có tục thờ đá trắng. Trong lễ cúng rừng thiêng Gạ Ma Thu, nghi thức tín ngưỡng lớn nhất của cộng đồng Hà Nhì, người ta không quên cúng thần đá - còn gọi là Thổ Ty. Bởi theo họ đây là vị thần phù trợ cho người dân Hà Nhì chỗ ở ổn định, cuộc sống vui vẻ đầy đủ quanh năm.

Nhà thơ Chu Thùy Liên cho biết: Thổ Ty là vị thần đất, khai sáng bản mường. Nói là thần đất nhưng thực ra tích hợp rất nhiều vị thần khác nhau, họ không gọi là thổ địa. Và các lễ cúng thường đặt dưới vị đá trắng này, người ta coi như vị thần hộ mệnh của người Hà Nhì.

Lễ cúng rừng thiêng Gạ Ma Thu. Ảnh: baomoi.com

Người Hà Nhì thường lập bản theo hình rẻ quạt, trên cao nhất là khu vực rừng thiêng, là đỉnh bản, và các gia đình sống thấp dần ra hai bên, theo các khe suối. Họ luôn hướng về đỉnh bản là nơi linh thiêng, uy nghi nhất, nơi ấy chính là nơi thần Thổ Ty cư ngụ.

"Trên đỉnh bản ấy có một cây rất to, có thể là cây dổi, có thể là cây gạo, dưới đó người ta làm một cái lán, trong đó có những viên đá, người ta gọi là Thổ Ty, tượng trưng cho các vị thần đất, nhưng đồng thời tích hợp biểu tượng của mặt trời xuống với đất mẹ. Người ta sẽ lấy những hòn đá trắng rải bên trên cái lán đó, và quan niệm đó là ánh sáng của mặt trời, ở phía dưới, người ta cũng thường thờ đá trắng"- bà Liên phân tích.

Những dịp lễ Tết, hoặc bất cứ khi nào có việc cần khấn nguyện, người Hà Nhì lại lên đỉnh núi để xin cầu. Lễ vật không thể thiếu thuốc lào. Điều này được dân bản giải thích là khói hương của thuốc lào nồng đượm, thể hiện tình cảm đậm sâu, không dễ xua đi nhanh như cây nhang đốt cháy một lần.

Hàng năm sau ngày Tết, bà con Hà Nhì lại lên đỉnh núi làm lễ cúng thần đá, cầu mong nương rẫy tốt tươi nhiều lúa vàng, nhiều ngô nếp; mong cho những đôi lứa được sống bên nhau, không phải chịu cảnh vợ mong chồng đợi. Những buổi cúng đá thiêng như thế, chỉ có trai bản mới được vào khấn vái.

Nhà thơ Chu Thùy Liên cho hay: Ở tất cả các khu vực có người Hà Nhì sống đều có những viên đá kiểu đó, có nơi có hòn đá cao đến 2m, nhưng có nơi rất bé, chỉ cao 5-70cm, nhưng vẫn phải có hòn đá trụ chính để thờ. Ngày lễ Gạ Ma Thu, ông mo và ông phụ mo sẽ lên đó để cúng, và mời tất cả các vị nhân thần, nhiên thần ở vùng đất ấy, những người khai sáng bản mường, thần vách đá, thần cây, thần suối đến để thụ hưởng lễ vật. Cũng ở rừng ấy, tất cả những người đàn ông trong bản có bữa ăn cộng cảm, chỉ ăn trên rừng...

Ngày nay, không chỉ đàn ông Hà Nhì mới lên tận chỗ “ông già đá trắng” để làm lễ, xin cầu, mà phụ nữ cũng có thể lên. Tuy nhiên, chỉ các cô giáo từ vùng xuôi lên dạy học, hay những người từ xa tới, chứ phụ nữ Hà Nhì vẫn không thể đến gần “ông già đá trắng”. Đó dường như là mảnh đất thiêng “bất khả xâm phạm” đối với phụ nữ Hà Nhì.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC