Nghề chế tác trống Ghi-năng đang khát truyền nhân
Thứ sáu, 09:03, 26/02/2021 vp biên tập vp biên tập
VOV4.VN - Trống Ghi-năng là một trong ba nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong các nghi lễ, đời sống tinh thần của đồng bào Chăm. Theo thời gian, số lượng trống Ghi-năng ngày một ít đi vì hư hỏng. Nghệ nhân chế tác đã hiếm, thế hệ tiếp nối càng khan hiếm hơn. Và hiện nay, nghề làm trống Ghi-năng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang có nguy cơ bị mai một.

Nghệ nhân Thổ Đồng ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một trong số rất ít người vừa biết đánh trống Ghi-năng vừa biết chế tác ra nó. Ông Đồng cho biết, để tạo ra cái trống Ghi-năng, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mỉ và có kỹ thuật cao... Làm ra một sản phẩm là cả một quá trình rất công phu. Ông làm vì niềm đam mê, vì yêu thích và muốn bảo tồn nhạc cụ của dân tộc mình. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm trống Ghi-năng, ông Đồng đã chế tác ra hàng chục cặp trống, nhưng ông vẫn chưa tìm được một người nào “nặng lòng” với nhạc cụ dân tộc để cùng đồng hành với ông. Không chỉ với trống Ghi-năng, hiện ông đang chế tác thêm trống Paranưng:

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc luôn được ngành Văn hóa của tỉnh Bình Thuận quan tâm. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật trong cộng đồng người dân tộc thiểu số”, trong đó có nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. 

Nghệ nhân Thổ Đồng làm trống Ghi-năng.

Năm 2017, UBND tỉnh giao cho Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh chủ trì Đề tài khoa học “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) cho 4 dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận (Chăm, K’ho, Raglai, Chơ Ro) thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật”. Đề tài này đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá và xếp loại xuất sắc trong năm 2020. Thông qua đề tài này, đã dàn dựng được 5 tiết mục rất đặc sắc. Trong đó có 3 tiết mục của người Chăm mà trống Ghi-năng đóng vai trò chủ đạo. Bà Lư Thái Tuyên - Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận trăn trở, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của nhạc cụ truyền thống của người Chăm, trong đó có trống Ghi-năng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tại các điểm du lịch, tại các trung tâm tâm trưng bày…

Trống Ghi-năng được nhiều du khách ưa thích.

Để khôi phục, bảo tồn nhạc cụ trống Ghi-năng, ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, sở đã có định hướng và giao cho các đơn vị, đặc biệt là nhà hát và Bảo tàng Bình Thuận nghiên cứu làm sao thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đưa nhiều hơn các tiết mục có sự hiện diện của trống Ghi-năng.Bên cạnh việc duy trì các hoạt động biểu diễn, đào tạo, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu đưa trống Ghi-năng vào trường học, truyền dạy lại cho học sinh là con em người Chăm. Đồng thời thường xuyên mở các lớp dạy đánh trống Ghi-năng và tổ chức nhiều hơn nữa các hội thi đánh trống Ghi-năng. Hy vọng những nỗ lực này sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ yêu mến và có ý thức trong việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ của dân tộc mình./.

VOV TPHCM

vp biên tập

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC