Gần 12 giờ trưa, giữa cái nắng chói chang khô khốc nơi vùng biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chị Nguyễn Thị Hiền vẫn bần thần trên ruộng dưa hấu đến kỳ thu hoạch.
4 tháng trước, gia đình vay thêm ngân hàng 250 triệu đồng, từ Tây Sơn, Bình Định lên Đắk Lắk thuê 6 hec ta trồng dưa hấu. Nay vườn dưa đã cho thu hoạch, với năng suất đạt khá cao trên 2 tấn/sào nhưng kiếm không ra người mua, mặc dù giá chỉ 2.000 đồng/kg, bằng ¼ so với đầu vụ. Với giá này thì gia đình chị thua lỗ quá lớn.
Chị cho biết: Diện tích đầu tư cỡ 1 tỷ mà giờ thu giỏi lắm được 400 triệu. Dưa hiện nay chỉ có 2000 đồng/ kg, lỗ quá nhiều - phải trên một nửa, giờ bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Chỉ mong cho họ mở cửa khẩu để làm vụ sau còn trả nợ nữa chứ kiểu này bà con khổ hết.
Không chỉ nông dân mà các thương lái buôn dưa cũng trong tình trạng thua thiệt. Đang cho công nhân thu gom dưa tại Ea Súp, bà Trần Thị Nhung, một thương lái liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi tìm mối “đẩy” hàng.
Vụ này bà Nhung đặt mua 100 xe dưa xuất sang thị trường Trung Quốc để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên Đán. Nhưng thời điểm này phía Trung Quốc không mở cửa khẩu, hàng không xuất được. Vì đã đặt mua dưa của người dân từ đầu vụ, nên bà phải chấp nhận gom dưa đi bán rẻ ở Hải Dương và các tỉnh phía Bắc để vớt vát vốn. Bà Trần Thị Nhung, chua chát: buôn dưa 30 năm nay, nhưng chưa khi nào “đắng” như năm nay.
Đầu mùa bà lên Đắc Lắc mua 12 triệu 1 sào. 1 lô hàng bà mua 1 tỷ 2, cộng cả tiền công nhân vận chuyển các thứ nữa, tính ra tại Hải Dương bà lỗ trên 1 tỷ 8.
Một vụ dưa khiến cả thương lái và nông dân đều đắng lòng
Nghề trồng dưa hấu phát triển tại Đắc Lắc từ nhiều năm nay. Tuy nhiên việc trồng dưa vẫn theo hướng tự phát, chưa có sự liên kết nên thiếu tính bền vững, khi thị trường bị đứt gẫy là nông dân thiệt hại lớn.
Riêng vụ này toàn xã Ia Rvê , huyện Ea Súp có 130 ha dưa hấu. Chính quyền địa phương đã rà soát, nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên có hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người trồng dưa, đồng thời, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng dưa, nhất là những khu vực ngoài quy hoạch.
Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết: Trong nghị quyết của HĐND và Đảng uỷ xã đã tính đến vận động, tuyên truyền bà con hiểu và chấp hành chủ trương chung quy hoạch diện tích đồng ruộng trên cơ cấu phù hợp với thực tế của địa phương và nhu cầu của thị trường. Tránh tình trạng hàng sản xuất ra không cung ứng được, dẫn đến người dân mất trắng trong niên vụ sản xuất”./.
Hương Lý/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận