Hợp tác xã Nông lâm-dược liệu Thịnh Phát, bon R’But, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, vừa trải qua những ngày tháng khó khăn nhất kể từ khi thành lập.
Khó khăn bắt đầu từ tháng 5 khi các nông sản do hợp tác xã sản xuất khó tiêu thụ, trượt giá nghiêm trọng. Đến tháng 7 và tháng 8 khi thị trường thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam bị ách tắc, thì sản phẩm của Thịnh Phát hầu như ứ đọng hoàn toàn.
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Nông, huyện Đăk Glong và Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh đã đẩy mạnh kết nối, giúp hợp tác xã tìm được đầu ra. Sản phẩm củ cải đã được tiêu thụ thuận lợi; bắp cải, xà lách cũng tăng giá đáng kể so với trước khi Covid-19 bùng phát.
Một vùng rau lớn được Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh kết nối tiêu thụ
Quan trọng hơn, lãnh đạo tỉnh đã xuống tận vùng sản xuất để xem xét thực tế, lắng nghe kiến nghị và giúp hợp tác xã hoàn thiện quy trình sản xuất, thích ứng với tình hình Covid-19 có thể phức tạp trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Toản, giám đốc Hợp tác xã Thịnh Phát cho biết,: Hợp tác xã đã đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ đầu tư một nhà kính cùng sân phơi để phơi khô củ cải. Hiện tại, củ cải đang lên giá, bằng bắp cải, thật sự là không thể tính toán trước được. Chính vì vậy hợp tác xã đang quy hoạch lại, cứ cách 2 ngày sẽ xuống giống 5 sào, để đảm bảo không bao giờ cháy hàng cũng không bao giờ dội hàng. Tỉnh đã quy hoạch 1 vùng 26 héc ta để HTX thực hiện chủ trương này.
Sự trợ giúp của chính quyền các cấp và các sở ngành tỉnh Đăk Nông còn được thực hiện kịp thời với cả các đơn vị tới tỉnh để kết nối tiêu thụ nông sản.
Cây cà phê- sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên
Nhờ thông tin kết nối của tỉnh, Công ty Hương Cao nguyên đã tìm tới vùng sản xuất rau bạt ngàn ở huyện Đăk Song. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch diễn ra đúng cao điểm dịch Covid-19 nên rất khó khăn về lao động. Đó cũng là cao điểm mùa mưa ở địa phương, giao thông, nên việc vận chuyển rau ra khỏi các vùng đồi đất Bazan trơn trượt, lầy sụt cũng rất khó khăn.
Trong lúc khó khăn chất chồng, doanh nghiệp đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông, nhờ đó việc thu hoạch, đóng gói, vận chuyển đã được sắp xếp ổn thỏa. Vùng rau Đăk Song đã được tiêu thụ kịp thời.
Doanh nghiệp đóng gói vận chuyển thâu đêm để kịp giải phóng vùng rau Đăk Song
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, điều hành công ty TNHH sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên, tỉnh Đăk Lăk cho biết, Ban đầu Công ty thuê một đơn vị có đủ các chứng nhận để làm việc gia công, đóng gói cho Công ty, nhưng cũng không ăn thua. Sau đó, Công ty liên hệ với Sở Nông nghiệp Đăk Nông kết nối với các hợp tác xã và những đơn vị có uy tín và sức ảnh hưởng ở các huyện trọng điểm về các mặt hàng Công ty cần. Nhờ đó, chỉ trong 1 tháng, lượng hàng đạt 1 ngày 100 tấn, giải quyết được cơ bản vấn đề đầu ra cho vùng nguyên liệu.
Với sự đồng của hành chính quyền các cấp-người dân và doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Đăk Nông đã hạn chế được thấp nhất các thiệt hại. Đến nay, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bắt đầu lộ trình bình thường mới, các lĩnh vực kinh doanh đã thuận lợi hơn, giúp nông nghiệp giảm bớt rủi ro.
Ảnh minh họa
Ông Phạm Tuấn Anh, giám đốc Sở Nông nghiệp Đăk Nông cho biết, để nông nghiệp có thể thích ứng trong hoàn cảnh mới, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đạt hiệu quả phòng chống Covid-19, tỉnh sẽ đồng thời tăng cường kết nối tiêu thụ, nhưng quan trọng hơn là xây dựng các vùng nguyên liệu liên kết, khép kín đầu vào và đầu ra.
Sở đã thành lập 3 tổ hiện trường và 1 tổ xử lý thông tin để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Khi người sản xuất, các đơn vị kinh doanh gặp vấn đề về tiêu thụ, giá cả hay vận tải, nguồn lao động thì các tổ này sẽ xử lý, kết nối với các đơn vị tiêu thụ. Về lâu dài, Sở xúc tiến kết nối các vựa, các hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh, chế biến để hình thành những vùng nguyên liệu, kết nối với chế biến-tiêu thụ, xây dựng mối quan hệ bền vững.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phước tạp. Nhưng với sự chủ động thích ứng, Đăk Nông đã không còn bỡ ngỡ. Những điểm liên kết tiêu thụ nông sản vẫn được mở ra đều đặn và hoạt động an toàn, từng bước lấy lại đà tăng trưởng cho nông nghiệp nói riêng, kinh tế của tỉnh nói chung./.
Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận