Tình người ở mái ấm tình thương
Thứ năm, 00:00, 08/02/2018
VOV4.VN - Ông Đinh Minh Nhật (ở thôn 1, xã Ia H’ Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã cưu mang, nuôi nấng trên 70 đứa trẻ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong vùng. Hầu hết các cháu đều có hoàn cảnh đặc biệt, đứa thì bị bố mẹ bỏ rơi do khi sinh ra bị mang khuyết tật, đứa thì mồ côi cha mẹ. Có đứa ông Nhật xin về khi chúng còn đỏ hỏn, nhiều đứa tự tìm đến với ông xin cưu mang. Chúng sống với nhau, đứa lớn làm anh làm chị, nhỏ làm em, đùm bọc nhau như anh em ruột thịt.

 

Nhà của ông Đinh Minh Nhật nằm trên khu đất khá rộng phía cuối thôn 1 của xã Ia H’ Lốp. Ngôi nhà vừa mới xây còn nồng mùi sơn. Ông Nhật cho biết: kinh phí để xây ngôi nhà trên 500 triệu đồng này là do người em ruột của ông bán một lô đất, cho ông tiền. Có được ngôi nhà vững chắc này, ông càng an tâm chăm sóc đàn con của mình.

Ông Nhật bên đàn con nuôi. Ảnh: baogialai.com.vn

Ông Nhật kể, giữa năm 2006, tình cờ trong một lần đến buôn người Gia rai, khi ấy buôn đang có đám tang một phụ nữ. Chị vừa sinh con thì chết. Tập tục của người dân vùng này, nếu phụ nữ sinh con mà mẹ chết, thì đứa con đó sẽ được để chết và chôn cùng người mẹ. Nhìn sinh linh bé bỏng mới hơn một ngày tuổi, đang thoi thóp đợi chết để “đi’ cùng mẹ, ông Nhật đã ngỏ lời xin đứa trẻ.

“Tôi nghĩ cứu cháu để cháu không bị chết oan thôi. Tôi không nghĩ là đem cháu về để nuôi. Mà trước cái cảnh cháu chuẩn bị bị chôn chung với mẹ thì tôi không thể làm ngơ được nên tôi cứu cháu” - ông Nhật kể.

Đưa cháu bé về nhà nuôi dưỡng mấy ngày, ông Nhật định trao cháu cho ai đó có lòng hảo tâm nuôi dưỡng. Nhưng cứ lần lữa không biết nhờ ai. Rồi ngày tháng qua đi, ông và nó bén hơi nhau như bố con, không dứt ra được nữa. Ông Nhật đặt tên con là Đinh Hồng Phúc. Phúc năm nay đã 11 tuổi, học lớp 4. Phúc nhanh nhẹn và tháo vát hơn những đứa trẻ cùng tuổi.

Nhận nuôi Phúc được một thời gian ngắn thì lại có một trường hợp khác nữa, cũng rất eo le. Một bé trai mới sinh bị di tật. Tập tục của người dân ở đây, nếu trẻ sinh ra bị di tật thì sẽ bị bỏ đi chứ không nuôi dưỡng. Đứa bé này không có hậu môn. Nuôi nó có sống được không? Nhưng không nhận về nuôi thì chắc chắn sẽ chết. Nuôi Phúc khó một, nuôi nó khó mười. Thế nhưng ông Nhật đã nuôi được cháu bé. Giờ cháu đã gần 10 tuổi.

Cứ thế, ngày càng nhiều đứa trẻ tìm đến ông Nhật. Hiện nay có đến 72 cháu. Trong số này, có nhiều cháu nhà ở xa trường học, bố mẹ lại quá nghèo nên chúng tìm đến, xin ông được  ăn ở và được đi học. Cháu Rơ Lan kể, bố mẹ cháu chia tay nhau, cháu ở với bà. Bà nghèo nên chỉ đủ sức cho cháu học hết lớp 5. Cách đây 5 năm, bà đưa cháu đến đây xin ông Nhật cho cháu được ở và đi học.

Hiện Rơ Lan đã học lớp 9. Cô bé lanh lợi và chăm chỉ. Ngoài thời gian đi học, Rơ Lan đỡ đần cho các em của mình rất nhiều. Nấu cơm, giặt và tắm cho các em nhỏ.

Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và xã hội huyện Chư Sê, cho biết: Lãnh đạo huyện cũng như phòng chức năng rất quan tâm đến mái ấm tình thương của ông Đinh Minh Nhật.  Tết này, các cháu được nhận quà như những hoàn cảnh khó khăn ở nơi khác trong huyện. Hàng trăm suất quà đã được chuyển về cho các cháu. Bà Ngọc đã nhiều lần đến nhà ông Nhật tìm hiểu từng hoàn cảnh của các cháu để có sự hỗ trợ kịp thời.

Hiện nay, suất ăn hàng ngày của mỗi cháu được ông Nhật chi 10 nghìn đồng. Những ngày Tết thì suất ăn của các cháu được tăng  lên gấp đôi. Ngày 24 tháng Chạp, ông Nhật tổ chức bữa cơm tất niên cho các cháu, để các cháu được về đoàn tụ cùng gia đình. Hơn 30 đứa trẻ ở lại cùng ông, bởi chúng không có ai ruột rà thân thích.

 

 

 

 

Lê Xuân Lãm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC