Bài 3 (bài cuối): Tránh rủi ro từ sạt lở núi
Thứ tư, 00:00, 16/12/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Trong khi những kỹ năng, kinh nghiệm sống chung với thiên tai chưa phù hợp với diễn biến thời tiết cực đoan thì chính quyền và người dân các địa phương cũng tự đúc rút những bài học cho riêng mình trong phòng tránh rủi ro từ sạt lở núi.

 

Hạn chế trồng keo, cao su; tăng diện tích rừng gỗ lớn, cây dược liệu.

Những ngày này, đến những huyện phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… đều nghe tiếng máy cưa rít lên, vang vọng khắp núi rừng. Bà con tranh thủ khai thác tận thu cây keo, cao su bị đổ ngã sau mưa bão.

Dọc Quốc lộ 40 B lên các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đâu đâu cũng thấy rừng keo. Trên những quả núi cao, người dân cũng trồng keo. Khi thu hoạch cây keo, bà con phải thuê xe ủi, xẻ núi làm đường đưa xe tải lên vận chuyển keo. Thu hoạch xong, nhiều cánh rừng bị cạo trọc lóc, nham nhở.

Xung quanh Trạm Kiểm lâm 67, xã Phong Xuân huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đều là rừng keo– Ảnh: VOV

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My rất lo ngại khi phong trào trồng keo ngày càng phát triển mạnh. Theo ông Dũng cũng vì nhà nhà trồng keo, người người trồng keo đã làm cho đất rừng tơi xốp, không còn gắn kết như cũ, dễ xảy ra sạt lở núi.

Lực lượng cứu nạn phải nắn dòng Rào Trăng để tìm kiếm những người mất tích do sạt lở đất – Ảnh: VOV

huyện Nam Trà My chủ trương vận động người dân chuyển sang trồng cây dược liệu và rừng gỗ lớn như trồng cây quế, trồng dược liệu. Ở các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, bà con trồng cây sâm là rất hợp lý, bởi trồng sâm là có lợi ích kép, một là thu nhập được sâm và quan trọng là sâm giữ được rừng. Trồng sâm, phát triển dược liệu dưới tán rừng để giữ được rừng, đồng thời, hạn chế được sạt lở.

Cùng quan điểm này, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, không phải diện tích nào cũng trồng keo, trồng rừng sản xuất mà phải tính tới việc tăng thêm diện tích rừng phòng hộ:

Kinh nghiệm cho thấy, ở vùng nào giữ được rừng tự nhiên tốt thì vùng đó việc sạt lở ít xảy ra. Còn vùng nào hiện đang trồng rừng sản xuất, nhất là rừng nguyên liệu trồng keo thì nguy cơ sạt lở rất nhiều.

Quan điểm của ông Hồ Quốc Dũng là làm sao để tăng diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để giữ được ổn định cho sản xuất, cho đời sống người dân các huyện miền núi, trung du.

 

Di dời dân vùng sạt lở, sắp xếp lại dân cư miền núi

Về giải pháp tránh rủi ro cho người dân, Bình Định sẽ tiến hành rà soát và di dời những hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới. Việc di dân vùng sạt lở là giải pháp trước mắt mà các địa phương phải thực hiện sau những vụ sạt lở kinh hoàng vừa qua.

Thế nhưng, việc di dời đến đâu không thể thực hiện một sớm một chiều và cũng không thể di dời tất cả bởi liên quan đến kinh phí và quy hoạch mặt bằng bố trí dân cư.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để hạn chế thiệt hại, sớm tái thiết cuộc sống an toàn người dân miền núi, giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Trước thực tế sạt trượt đất xảy ra trên diện rộng như hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã và đang đẩy nhanh dự án sắp xếp dân cư ở miền núi. 4 năm qua, Quảng Nam đã sử dụng 385 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để sắp xếp dân cư cho gần 6500 hộ.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, Sắp tới đây, Quảng Nam dự kiến sắp xếp thêm 4000 hộ dân ở khu vực nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho nhân dân; Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các loại cây trồng ở khu vực miền núi để tìm các loại cây trồng khác để vừa làm cây gỗ lớn, vừa làm kinh tế dài ngày để hạn chế việc khai thác ngắn hạn các loài keo, dẫn đến độ che phủ rừng quá ngắn và ảnh hưởng đến thảm thực vật, độ che phủ rừng ổn định lâu dài ở khu vực miền núi.

 

Xây dựng bản đồ hiện trạng sạt lở đất

Cảnh báo tình trạng sạt lở đất là việc phức tạp, khó khăn. Nhưng đây cũng là giải pháp cần thiết để tránh thảm họa từ sạt lở núi. Hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã lập Dự án xây dựng bản đồ hiện trạng về sạt lở cho 22 tỉnh, thành nhưng mới có bản đồ cảnh báo sạt lở cho 15 tỉnh, thành.

Mục đích của việc xây dựng bản đồ hiện trạng sạt lở là giúp các địa phương quy hoạch khu dân cư tránh các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những bản đồ này đang ở tỷ lệ nhỏ, trong khi chúng ta rất cần bản đồ có tỷ lệ lớn để có thể cảnh báo cụ thể đến từng khu dân cư.

Hàng năm, trước mùa mưa bão, cần đi kiểm tra những vùng nào có khả năng sạt lở. Những rừng cây thấy nghiêng có nghĩa là có trượt bên trong, thứ 2 có khe nứt mới và thứ 3 là có nước rỉ ra, nghĩa là bên trong đất bị bão hòa. Nếu cắm biển đỏ ở những khu rừng này thì sẽ không có chuyện chết người.

Sạt lở núi vùi lấp một lán trại của công nhân thủy điện Đăk Mi2, huyện Phước Sơn – Ảnh: VOV

Đối với các khu vực dân cư vừa xảy ra sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bố trí cán bộ đến nghiên cứu phục vụ quy hoạch, đề xuất nên b trí dân cư như thế nào để tránh rủi ro, thảm họa.

Hiện nay, khi xây dựng các công trình, nhiều địa phương chưa chú ý đến yếu tố gây ra lũ quét, sạt lở đất, tức là chưa nghiên cứu, điều tra kỹ về địa chất cơ bản, đặc biệt là các hồ thuỷ điện, các hồ chứa, các công trình đường sá.

Đường vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở – Ảnh: VOV

Lũ lên nhanh, rút xuống nhanh hay chậm cũng có nguyên nhân từ việc phát triển nhanh cơ sở hạ tầng mà chưa đánh giá được thích ứng biến đổi khí hậu cùng những tác động liên quan đến dòng chảy hoặc là những yếu tố địa chất.

Những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nay nham nhở, dễ sạt lở – Ảnh: VOV

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện dự án điều tra phòng, tránh lũ quét và sạt lở đất với tỷ lệ 1 phần 10.000, tiến tới thực hiện bản đồ đạt tỷ lệ 1 phần 2.000 và cần có bản đồ xác định được khu vực nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, cần phải có các số liệu chính thức về địa chất với tỷ lệ không phải 1/2000  là tỷ lệ 1/500 thì khi làm những công trình đó mới đảm bảo tính toán được về mặt lâu dài.

Trước khi xảy ra sạt lở, nhiều vùng ở huyện Nam Trà My, nơi gần thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xảy ra động đất kích thích – Ảnh: VOV

 

Không thể “nóng đâu phủi đó.

Sau các đợt bão lũ, sạt lở đất tàn phá các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về các vùng bị thiệt hại nặng, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Hậu quả sạt lở núi ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: VOV

Tại đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung quy hoạch phát triển ổn định.

Đảm bảo an toàn cho người dân trong tương lai là vấn đề lớn đang đặt ra đối với các bộ ngành Trung ương và các địa phương; Cần phải có định hướng lâu dài để tham mưu Chính phủ chứ không phải “cứ nóng đâu phủi đó”, chọn những bãi bằng, xa núi là cách làm phù hợp.

Người dân miền Trung có nhiều kinh nghiệm trong phòng tránh bão lũ, ngập lụt. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó cần được cập nhật, thích ứng hơn với thời tiết ngày càng cực đoan, khó nhất vẫn là ứng phó với nạn sạt lở đất.

Đường ĐH1, ĐH 2 đi vào các xã vùng cao huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: VOV

Hàng loạt vụ sạt lở đất xảy ra trong thời gian qua tại các tỉnh miền Trung đã gây ra biết bao đau thương, mất mát. Làm sao tránh được những thiệt hại từ sạt lở núi, người dân sống dưới chân núi luôn được an toàn chính là vấn đề cấp bách được đặt ra trong công tác phòng chống lụt bão hiện nay./.

 

Text Box: Trong giai đoạn từ 1953 - 2006, Việt Nam xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Nhưng sang giai đoạn từ 2000 - 2015, tổng số trận lũ quét và sạt lở đất là 250 trận, trung bình 15 - 16 trận/năm. Riêng năm 2020 tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hơn 100 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ trong 2 tháng qua, hơn 100 người ở các tỉnh miền Trung bị vùi lấp, thiệt mạng do sạt lở đất, nhiều làng xóm bị san phẳng.

 

Nhóm  PV VOV miền Trung

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC