VOV4.VN - Năm 2020 là năm quá nhiều mất mát đối với người dân miền Trung. Hiếm có năm nào, đồng bào nơi đây phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai dồn dập như năm nay. Bão chồng bão, lũ sau kinh hoàng hơn lũ trước, đỉnh lũ vượt mức lịch sử làm 249 người thiệt mạng và mất tích.
Chưa có năm nào, sạt lở núi trở thành nỗi ám ảnh bà con trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Suốt 3 tháng qua, người dân miền núi, vùng cao các tỉnh miền Trung sống trong tâm trạng bất an, lo sợ.
Cứ mỗi đợt mưa to, nghe một tiếng động mạnh là dân làng bỏ chạy ra khỏi nhà. Rừng bị tàn phá tan hoang, tình trạng sạt lở núi xảy ra bất cứ lúc nào, thảm họa treo lơ lửng trên đầu người dân.
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, núi rừng các huyện vùng cao Nam Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Rừng “no nước” nhão nhoẹt, đất chảy, sạt lở núi, lũ quét bất ngờ ập xuống vùi lấp nhiều bản làng.
Vụ sạt lở núi vùi lấp nhiều người tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, huyện Nam Trà My chưa kịp hoàn hồn đã nghe nhiều người bị mất tích do sạt lở núi ở 2 xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Đã hơn một tháng trôi qua, vụ sạt lở tại nóc Ông Đề ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn ám ảnh nhiều người dân miền núi.
Ông Hồ Văn Đề, 77 tuổi đau đớn khi toàn bộ người thân trong gia đình thiệt mạng và mất tích trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng - Ảnh: VOV
Tối 28/10, vụ sạt lở đất này đã vùi lấp 11 ngôi nhà của 15 hộ gia đình làm 24 người thiệt mạng và mất tích. 15 đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi, ông mất cháu; cha, mẹ mất con; vợ chồng, anh em chịu cảnh biệt ly.
Vụ sạt lở đất xảy ra vào ngày 28-10 xóa sổ toàn bộ nóc Ông Đề - Ảnh: VOV
Chỉ trong một đêm sạt lở, lũ quét kinh hoàng ấy, Hồ Thị Hòa mất cả 8 người thân, trong đó có cả ba mẹ chị. Nhà cửa tan tành hết, không còn gì.
Chị Hồ Thị Hòa với nỗi đau mất cả 8 người thân - Ảnh: VOV
Trước khi bị vùi lấp, nóc ông Đề là một ngôi làng rất đẹp, yên bình. Hơn 20 năm qua, ngôi làng này không hề bị sạt lở đất, lũ quét. Vậy mà bây giờ, sạt lở đất trở thành nỗi ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân miền núi.
Người dân miền núi thoát chết trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng - Ảnh: VOV
Người đi đường luôn trong tâm trạng bất an, lo sợ bị đất đá sụt trượt, vùi lấp bất cứ lúc nào. Suốt những tháng qua, mỗi khi có trời mưa hay chỉ nghe một tiếng động mạnh là bà con bỏ chạy ra khỏi nhà.
Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 học sinh của trường có người thân ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng vừa bị thiệt mạng, nay các em rất hoảng sợ mỗi khi ai đó nhắc lại vụ sạt lở Trà Leng.
Ngày 29-10 khi đường vào hiện trường vụ sạt lở ở nóc Ông Đề, chưa thông, bà con phải dùng võng khiêng người bị thương đi bộ hàng chục cây số để cứu chữa - Ảnh: VOV
Hơn 2 tháng qua, những cái tên “Rào Răng 3”, “Trạm Kiểm lâm 67”, “Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337”, “Trà Leng”, “Nam Trà My”, “Phước Sơn”... đã nhận được sự sẻ chia của đồng bào cả nước.
13 cán bộ, chiến sĩ của Quân Khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế trên đường đi cứu nạn 17 công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 chưa kịp tiếp cận hiện trường đã bị vùi lấp.
Tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: VOV
Nỗi đau chưa dừng lại, giữa lúc Bộ Tư Lệnh Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm lễ truy điệu 13 liệt sỹ hy sinh thì xảy ra vụ sạt lở núi nghiêm trọng tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Cả gia đình 6 người dân tộc Vân Kiều ở xã Húc bị vùi lấp; 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tại xã Hướng Phùng hy sinh giữa thời bình do sạt lở đất vùi lấp cả doanh trại.
Hàng triệu trái tim quặn thắt khi thi thể các anh lần lượt được tìm thấy đưa về. Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu Trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đau xót trước những mất mát do thiên tai gây ra:
Từ khi xảy ra việc lở đất và làm 13 đồng chí hy sinh, tôi đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị, đặc biệt các đơn vị đứng chân trên địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 tiếp tục kiểm tra, nhưng kiểm tra chưa xong thì xảy ra vụ việc tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tiếp tục bị lở đất, lở núi cũng hơn 20 cán bộ, chiến sỹ bị vùi trong đất, đau khổ vô cùng. Đúng là thiên tai, địch họa mình không lường trước hết được.
Năm 2020, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” ở miền Trung chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. 249 người thiệt mạng và mất tích, 705 người bị thương, 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái và gần 500.000 lượt nhà bị nước lũ nhấn chìm nói lên sự tàn phá dữ dội của mưa bão vừa qua.
Sạt lở đất, lũ quét đã cướp đi sinh mạng 112 người, chưa kể hàng trăm người đã kịp thời chạy thoát, được cứu sống trước khi tai họa ập đến.
Suốt 2 tháng qua dù, lực lượng cứu nạn đã vượt qua khó khăn của thời tiết, địa hình hiểm trở nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn còn 12 công nhân bị vùi lấp tại công trường Thủy Điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và 17 người dân của 2 huyện Nam Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam chưa tìm ra tung tích.
Sạt lở đất trở thành nỗi khiếp sợ của bà con sống dưới chân núi, tai họa có thể ập xuống bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào./.
(Còn tiếp, bài 2: Thảm họa đến từ đâu?)
Nhóm PV/VOV miền Trung
Viết bình luận