Mù Cang Chải đã khắc phục phần lớn hậu quả của trận lũ dữ
Thứ hai, 00:00, 23/10/2017 Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh
VOV4.VN - Sau hơn hai tháng xảy ra lũ quét kinh hoàng, nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, sự nỗ lực của nhân dân và chính quyền, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, đã khắc phục được phần lớn hậu quả do mưa lũ gây ra.

 

Học sinh yên tâm đến trường

10 giờ sáng, tiếng đọc bài của lớp học mầm non Lao Chải, điểm bản Tà Ghênh, xã Lao Chải, rộn khắp bản. Trong căn phòng lợp tôn trắng, lũ trẻ lít nhít ngồi ngay ngắn trên ghế nhựa, ê a đọc theo cô. Tủ sách, tủ đồ chơi đủ màu được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tường nhà dán nào bảng chữ cái, đoàn tàu, những bông hoa giấy đủ sắc màu.


Các bé trường Mầm non Lao Chải điểm bản Tà Ghênh đã đi học trở lại

Cô Hà Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Chải cho biết, chỉ mới cách đây hai tháng, lớp học này bị lũ ống phá nát, nhưng được sự chung tay của các nhà hảo tâm, của chính quyền các cấp, lớp học đã được xây dựng lại, các em bắt đầu đi học trở lại từ ngày 1/10. Hiện tại, lớp học đã duy trì đầy đủ sĩ số 35 cháu.

“Những đồ dùng, sách vở, đồ chơi ở lớp của mình đây đều của các tổ chức từ thiện ủng hộ. Hôm học ở điểm trường chính cách đây 1 tháng thì các cháu được nấu ăn trưa tại trường, nhà nước hỗ trợ 120.000đồng/hs/tháng. Giờ về đây, có hai cô một lớp nhưng điện, nước chưa có vì mới di dời lớp học về nên chưa kịp hoàn thiện cơ sở vật chất. Cho nên các cháu mang cơm ăn tại lớp. Chúng tôi cố gắng có bếp sẽ nấu canh nóng cho trẻ ăn ở trường”.

Sau lũ, con đường vào bản Tà Ghênh bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều nơi bùn đất lún ngập khiến việc huy động trẻ đến trường gặp khó, nhiều gia đình bị cô lập. Được một công ty dầu khí tài trợ, chính quyền xã đã vận động bà con góp ngày công xây dựng. Đến nay, con đường bê tông gần 2km đã hoàn thành, xe máy có thể bon bon vào bản.



Con đường từ xã vào bản Tà Ghênh đã được thảm bê tông

Người dân ổn định cuộc sống

Chị Hạng Thị Mê, người Mông, ở bản Tà Ghênh, vẫn còn nhớ như in hình ảnh ngôi nhà của mình bị sập trong lũ dữ. Một con trâu, 4 con lợn giống và cả đàn gà đều bị trôi theo dòng lũ. Chính quyền địa phương bố trí cho đất ở mới, dựng lại ngôi nhà.

“Lũ cuốn nhà cửa trôi hết, lợn gà cũng trôi hết, nhà mình không còn gì. Được Đảng, Nhà nước và các nhà tài trợ hỗ trợ cho mình, hiện tại mình có nhà để ở, được hỗ trợ 20 triệu, mình có tiền để làm lại kinh tế”  – chị nói.

Lao Chải là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn lũ lịch sử. 14 nhà bị lũ cuốn trôi, 1 ngôi trường bị lũ đánh sập, 19 hộ gia đình phải di dời chỗ ở. Ông Trần Minh Vấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lao Chải, cho biết, đến nay, các gia đình đều có chỗ ở mới, cuộc sống đi vào ổn định.

“Sau trận lũ, xã Lao Chải đã hỗ trợ cho bà con 1 triệu đồng; xã đã cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên bà con. Cùng với các nhà tài trợ, xã đã làm lại nhà cho 14 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi. Chúng tôi di chuyển thêm 19 nhà. Bà con đã làm lại nhà ở ở điểm mới. Tất cả các hộ bị lũ cuốn trôi, gia đình bị sạt lở mà phải di dời thì đến nay bà con đã có nhà cửa”. 

Chủ động ứng phó mưa lũ

Theo thống kê của UBND huyện Mù Cang Chải, thiệt hại sau lũ dữ ước tính lên tới 700 tỷ đồng. Toàn huyện có 14 người mất tích, 9 người bị thương; 53 hộ dân có nhà cửa bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn. 

Bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện đã tập trung mọi phương án khắc phục. Các hộ dân có nhà bị sập và lũ cuốn trôi đều được di chuyển đến nơi an toàn và có nhà ở. Đối với các hộ nhà bị sập, trôi hoàn toàn, tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Những hộ phải di dời, tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ. 

Các hộ mất trắng ruộng, phải khai hoang đất mới, được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Những hộ này được nhà nước hỗ trợ 6 tháng gạo, với mức 15kg/khẩu. Những hộ mất khoảng 50% ruộng sẽ hỗ trợ trong 3 tháng để bà con có lương thực, tiếp tục lao động sản xuất. 

Theo bà Xuyến: “Những hộ không tìm được đất ruộng, trước hết, vận động gia đình họ hàng chia sẻ một chút ruộng cho những hộ đó. Thứ hai, chỉ đạo ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng, tiếp tục khoanh nuôi và phân thêm rừng để người dân trồng thêm rừng. Hiện nay đang trồng cây sơn tra”. 

Theo bà Xuyến, hằng năm, huyện chủ động những phương án di dời, quy hoạch dân cư đối với những vùng có nguy cơ sạt lở đất. Huyện có đề án di dân xuống bản Mú Cái Hồ, 137 hộ có thể xuống ở được. Đề án này  Mù Cang Chải đang đề nghị chính phủ và tỉnh hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để mở rộng”.



 

Lâm Thanh/VOV4


Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC