Hỗ trợ thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới
Thứ sáu, 10:21, 10/05/2024 (theo Báo Quảng Trị) (theo Báo Quảng Trị)
VOV4.VOV.VN - Quảng Trị hiện có 178 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, 12 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kế hoạch, lộ trình mà các huyện đã đăng ký và được UBND tỉnh giao phấn đấu năm 2024 có 43 thôn, năm 2025 có 72 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM. Đây là một trong những thách thức lớn trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2052/QĐ-UBND về bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định số 2053/QĐ-UBND về bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Sau 2 năm thực hiện, tỉ lệ thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM đạt rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2023 mục tiêu đặt ra là 25 thôn đạt chuẩn NTM nhưng thực tế chỉ có 4 thôn (thuộc 2 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) được công nhận.

Quảng Trị hiện có 178 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, 12 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kế hoạch, lộ trình mà các huyện đã đăng ký và được UBND tỉnh giao phấn đấu năm 2024 có 43 thôn, năm 2025 có 72 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM. Đây là một trong những thách thức lớn trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Trước thực tế xuất phát điểm quá thấp của các thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với mặt bằng chung của tỉnh, ngày 22/4/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định 949/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu của bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, sửa đổi, bổ sung 8/13 tiêu chí đối với thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn NTM. Trong đó điều chỉnh giảm mức độ đạt chuẩn đối với các chỉ tiêu cứng như:

Về Giao thông, điều chỉnh chỉ tiêu 1.3 “Tỉ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm” yêu cầu đạt từ ≥ 60% giảm còn ≥ 40%.

Về Thủy lợi, điều chỉnh chỉ tiêu 2.2 “Tỉ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên” thành “Tỉ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp cây trồng chủ lực được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên”.

Về tiêu chí Thu nhập, điều chỉnh giảm mức thu nhập bình quân đầu người của thôn, bản năm 2024 từ ≥ 29 triệu đồng giảm còn ≥ 26 triệu đồng/người/ năm; năm 2025 từ 31 triệu đồng/người/năm giảm còn ≥ 28 triệu đồng/người/năm.

Về tiêu chí Nghèo đa chiều, điều chỉnh tỉ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 từ mức đạt thành chỉ tiêu cụ thể ≤ 20%.

Đối với tiêu chí Nhà ở dân cư, điều chỉnh chỉ tiêu 6.2 “Tỉ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố” từ mức ≥ 75% giảm còn ≥ 70%.

Về tiêu chí Môi trường, điều chỉnh chỉ tiêu 13.1 “Tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ các nguồn” từ quy định thôn của xã khu vực I, II và thôn đặc biệt khó khăn ≥ 30%, thôn của xã khu vực III ≥ 20% xuống một mức chung là ≥ 10%; chỉ tiêu 13.3 “Tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch” từ mức ≥ 70% giảm còn ≥ 50%...

Việc điều chỉnh giảm mức đạt chuẩn các chỉ tiêu trên là cần thiết để phù hợp hơn với điều kiện thực tế về KT-XH của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó góp phần tháo gỡ “nút thắt” trong thực hiện các tiêu chí khó đạt, tạo động lực phấn đấu cho các địa phương.

Bên cạnh việc điều chỉnh nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu, UBND tỉnh cũng phân công cụ thể đơn vị trực tiếp hướng dẫn xã thực hiện. Vì thế các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM cần khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu của bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2025 mà UBND tỉnh điều chỉnh. Đồng thời rà soát lại các thôn đăng ký xây dựng NTM năm 2024, 2025 để phân công cán bộ phụ trách cơ sở theo dõi, trực tiếp hướng dẫn xã, thôn thực hiện.

Để các thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM là điều không dễ, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ. Quá trình xây dựng NTM phải liên tục, dài lâu, không ngừng nghỉ, vì thế, tỉnh cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình xây dựng NTM.

Các sở, ban, ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên ban chỉ đạo trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu cho các xã khó khăn được UBND tỉnh phân công.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ bên ngoài, các địa phương cũng cần phát huy nội lực, chủ động thực hiện các giải pháp, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện trước các tiêu chí không phải đầu tư nhiều kinh phí như an ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, văn hóa... Mỗi xã cần chọn một thôn để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế, xây dựng điểm sáng trong xây dựng NTM và phát triển KT-XH, tạo tiền đề lan tỏa đến những thôn, bản khác.

(theo Báo Quảng Trị)

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC