Nâng cao nhận thức tiêm phòng Covid-19 ở vùng cao Lai Châu.
Thứ năm, 10:50, 24/11/2022 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Đến từng thôn bản, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19, bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhận thức về tiêm văc xin của đồng bào các dân tộc ở Châu đã dần thay đổi, góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông. Do đang bước vào ngày mùa nên đa phần bà con đi nương, đi rừng và ở nhà chỉ còn đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em. Để đạt được mục tiêu bao phủ vác xin phòng Covid-19 trên địa bàn, nhiều ngày nay cán bộ y tế đã đến từng nhà, tuyên truyền, vận động bà con xuống trạm y tế xã tiêm vắc xin, nhờ đó, nhận thức của bà con đã dần thay đổi.

Gia đình anh Sùng A Sinh, ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng có 4 người trong độ tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sau khi tiêm được 1, 2 mũi đầu, do mải làm nên cả nhà không ai đi tiêm nữa. Khi cán bộ y tế đến nhà vận động, thông báo lịch tiêm, anh đã đưa cả nhà xuống trạm để tiêm. Đến nay cả nhà đã tiêm đủ các mũi phòng Covid-19 theo quy định và thấy sức khỏe ổn định, bình thường.

Anh Sùng A Sinh chia sẻ: cán bộ y tế đến tận nhà tư vấn, tuyên truyền tiêm phòng vác xin phòng Covid-19. Sau khi tiêm xong, gia đình tôi thấy sức khỏe bình thường và không bị ảnh hưởng gì. Cảm ơn cán bộ y tế nhiều lắm.

Trước mỗi đợt tiêm vác xin phòng Covid-19, cán bộ Trạm Y tế xã Tả Lèng phối hợp với cán bộ xã phụ trách thôn bản, công an xã và các lực lượng tại thôn bản đến tận nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào lợi ích của vắc xin, đối tượng ưu tiên và phản ứng phụ có thể xảy ra để người dân yên tâm tới tiêm. Ban đầu cũng rất khó khăn khi bà con không hiểu, nhưng sau được giải thích cặn kẽ nên đa phần bà con cũng hưởng ứng.

Chị Lò Thị Tâm, Thư ký chương trình tiêm chủng mở rộng, Trạm Y tế xã Tả Lèng cho biết, khi tuyên truyền cũng có một bộ phận người dân không đến nên họ không hiểu đúng về ý nghĩa của việc tiêm chủng. Gọi tiêm mũi 1, mũi 2 người ta cũng hưởng ứng, nhưng đến mũi 3, mũi 4 thì một số người nói rằng tiêm vào vẫn mắc Covid, không phải hoàn toàn phòng bệnh được, vì vậy, nhiều người không muốn tiêm nữa, nhưng khi được vận động, tư vấn nhiều thì dần dần họ cũng hiểu và đồng ý tiêm.

Với 9 bản, 3 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 92%, thời gian đầu triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, xã Tả Lèng từng gặp rất nhiều khó khăn khi một số người dân từ chối tiêm. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, như đến tận nhà vận động, tuyên truyền; gửi phiếu thông báo lịch tiêm và giải thích cặn kẽ cho từng đối tượng tiêm; hỗ trợ người dân bản xa thiếu phương tiện di chuyển đến trạm y tế... Sự kiên trì của các lực lượng đã dần được đền đáp, khi người dân thay đổi nhận thức về lợi ích tiêm vắc xin.

Nhờ đó, đến nay Trạm y tế xã Tả Lèng đã thực hiện tiêm gần 13.000 mũi vắc xin phòng Covid-19; trong đó mũi 4 cho người trên 18 tuổi đạt trên 93%, mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt gần 93% và mũi 2 cho người từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt hơn 93%. Hiện toàn xã vẫn còn 10 người chưa tiêm mũi nào, nguyên nhân là họ đi làm ăn xa chưa về và cũng không thể liên lạc được.

Ông Phùng Tiến Hải, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết, lao động tự do ra ngoài địa bàn tỉnh, nhận thức của một số bà con còn hạn chế, địa bàn rộng và người dân sinh sống rải rác, đó là một số khó khăn trong công tác tiềm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn. Vì vậy, Trạm đã cử cán bộ đến hộ gia đình tư vấn trực tiếp; những đối tượng đi làm ăn xa thì liên lạc tư vấn cho họ tiêm ở công ty hoặc địa phương nơi người dân đang làm việc; bố trí tổ tiêm lưu động có cấp cứu đầy đủ.

Để bảo vệ, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch thời gian qua và ứng phó với diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, có những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn. Do vậy, từ một địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến nay Lai Châu đã tiêm được gần 1,2 triệu mũi.

Cơ bản các mũi tiêm dành cho các lứa tuổi trên địa bàn đã đạt được chỉ tiêu của Bộ Y tế giao. Tuy nhiên, hiện còn mũi 3 độ tuổi từ 12 đến dưới 18 mới đạt hơn 88%, mũi 2 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi mới đạt gần 77% và chưa đạt với chỉ tiêu của Bộ Y tế. Ngoài các yếu tố địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế trong công tác phòng chống dịch, nguyên nhân là do  thiếu thuốc mũi 2 vắc xin moderna do Bộ Y tế chưa có nguồn cấp.

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: Để đạt được thành tích nêu trên, thời gian qua ngành Y tế Lai Châu đã phối hợp và phát huy tính sáng tạo, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của tỉnh. Trong đó, ngành Y tế đã bám sát  địa bàn, địa hình thực tế của từng thôn, bản, khu dân cư để có biện pháp tuyên truyền, vận động thích hợp nhất; từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân, phát huy năng lực thực hiện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để nâng cao nhận thức cho người dân về tiêm vắc xin phòng Covid-19, phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ vắc xin các mũi nhắc lại theo kế hoạch, lực lượng y tế ở Lai Châu đang vận dụng sáng tạo công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở các thôn bản, tổ dân phố và trên các nền tảng số như: điện thoại, Facebook, Zalo. Qua đó, giúp người dân dần ý thức được hơn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng động./. 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC