Xã vùng sâu Tam Kim (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) có hơn 650 hộ gia đình, chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao. Những năm qua, đồng bào đã mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các loại hình dịch vụ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ngoài các loại cây lương thực truyền thống như lúa, ngô... đồng bào đã mạnh dạn trồng thêm các loại cây nguyên liệu và chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, phát triển đàn trâu bò dựa vào lợi thế đồng cỏ và trồng rừng keo, quế...
Kiên trì, chịu thương chịu khó và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học trong sản xuất, nhiều hộ gia đình ở Tam Kim đạt thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình bà Tô Thị Thục (xóm Bắc Dài) hay gia đình ông Dương Trọng Nghĩa (xóm Nà An)…Đời sống kinh tế dần khấm khá, con cái được chăm lo học hành chu đáo và ngày càng nhiều những ngôi nhà kiên cố 2-3 tầng được xây dựng dưới chân dãy Slam Cao.
Bà Nông Thị Chử (xóm Phai Khắt) phấn khởi chia sẻ, Đời sống nhân dân bây giờ thay đổi rất nhiều, về phát triển kinh tế áp dụng khoa học kỹ thuật, dùng giống lúa mới, cây công nghiệp rồi chuyển đổi cơ cấu, tôi trồng cây thuốc lá và nuôi lợn, thu nhập cũng khá.
Cách đây 20 năm, cả Bản Um và xóm Nà Sang mới sáp nhập cũng chỉ có lác đác vài ba nhà xây bằng gạch, hiện tại hơn 80% nhà gạch khang trang kiên cố. Đời sống nhân dân Tam Kim và bộ mặt xã nhà đã có sự đổi thay vượt bậc.
Với sự đầu tư của Nhà nước, quan tâm của chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, diện mạo nông thôn Tam Kim đã dần đổi thay từ những con đường bê tông đến từng thôn xóm, tỉ lệ nhà xây kiên cố và người dân dùng nước hợp vệ sinh được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững. Xã Tam Kim đạt 17/19 tiêu chí Nông thôn mới và là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của huyện Nguyên Bình.
Ông Ma Văn Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Tam Kim cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội chúng tôi quyết tâm thay đổi bộ mặt xã nhà. Đường làng ngõ xóm, đến trung tâm xóm, ra cánh đồng trục chính đều đã được bê tông hóa… Cả hệ thống chính trị cùng người dân quyết tâm sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí để đạt Nông thôn mới.
Tam Kim có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trên con đường trải nghiệm công viên địa chất non nước Cao Bằng; đồng bào Tày, Nùng, Dao nơi đây vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, Khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân ra đời gần 80 năm trước luôn được người dân trân trọng và giữ gìn cùng nhiều tài liệu, hiện vật văn hóa lịch sử. Đây sẽ là những tiềm năng, lợi thế để vùng đất giàu truyền thống cách mạng này phát triển du lịch trong tương lai.
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư x phát triển kinh tế của địa phương và kiến nghị đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp theo cho khu di tích rừng Trần Hưng Đạo và tạo kết nối từ Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim đến các điểm du lịch của huyện như Phia Oắc, Phia Đén, Rừng Trúc… và các điểm du lịch khác của tỉnh.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tam Kim đang nỗ lực lao động sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Nông thôn mới,... để Tam Kim ngày càng phát triển, xứng đáng với công lao và sự hy sinh của các thế hệ cha anh, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng./.
Một số hình ảnh về Tam Kim
Viết bình luận