Vòng đời người Tày gắn với mẹ Mụ
Thứ năm, 00:00, 03/12/2020 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Từ lúc lọt lòng cho đến khi trưởng thành, dựng vợ, gả chồng, về già và từ giã cõi trần, Mụ luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh.





Sắc phụ của phụ nữ Tày ở Bình Liêu. Ảnh: baodantoc.vn

Vị thần bảo trợ sức khỏe, sinh sản

Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, đồng bào Tày nơi đây đã có lễ an thai. Mục đích cầu Mụ chở che cho thai nhi khỏe mạnh, sinh ra hình hài đẹp đẽ. 

Đứa trẻ được 1 tuổi trở đi, hằng năm sẽ có lễ lễ giải hạn, nhằm xua đi những điều xấu trong những năm tới, cầu đón được những điều tốt đẹp.

Với đồng bào Tày ở Bình Liêu, mẹ Mụ chính là vị thần trông coi phần "hồn", "vía" của mỗi đứa trẻ. Khi "hồn", "vía" mải chơi, đi lạc hoặc bị một thế lực nào đó bắt nạt... người ta phải cầu mẹ Mụ đưa "hồn" trở về.
Đến tuổi 60, người ta sẽ làm lễ mả khoăn gọi "vía", cầu mẹ Mụ ban sức khỏe tuổi già.

36 mẹ Mụ và hệ thống lễ vật dâng cúng

Khi sinh ra được 3 ngày, người Tày ở Bình Liêu có lễ báo Mụ và lập bàn thờ Mụ. 
Bàn thờ Mụ được lập ngay trong buồng của người mẹ sinh con và chỉ được bỏ đi khi đứa con út trong gia đình kết hôn. Nhà có bao nhiêu con thì sẽ có bấy nhiêu bàn thờ Mụ. Ngoài việc thắp hương ngày rằm, mùng 1, ngày đầu năm mới, gia chủ sẽ dâng Mụ một chiếc đùi gà, một nắm xôi vàng. Đó là thứ ngon nhất thể hiện tấm lòng thơm thảo của người Tày.

Theo ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, trong tâm thức của người Tày ở Bình Liêu, họ có tới 36 bà Mụ. Mỗi bà có tính khí khác nhau, tương ứng với tính cách của từng đứa trẻ. Đồng thời, trở thành bà Mụ bảo trợ cho đứa trẻ đó.

"Từng bà Mụ lại có một lễ vật dâng cúng khác nhau. Bà Mụ Quý Sang  nghe tên đã quyền quý. Bà không thích những lễ vật tầm thường, tanh. Bà thích một bông hoa chuối. Người Tày gọi là pò cáy kêm, tức con gà trống vàng. Bà Mụ Hu Cha tính khí nóng nảy. Khi nhận lễ, bà nhìn thấy con gà bé sẽ chê luôn. Bà Mụ Hu Cha thích một con lợn hoặc con ngỗng, những gia cầm, gia súc to. Bà Mụ Cúc Hoa lại thích con gà xoăn". - Ông Hiệu nói.

Nhưng, lễ vật cúng Mụ liệu có tốn kém như bạn hình dung? Ông Tô Đình Hiệu cho biết, tất cả đều mang tính tượng trưng. "Ví dụ con gà trống bằng vàng là một cái hoa chuối. Một con lợn to, béo thì chỉ là một quả đu đủ. Con gà xoăn rất đẹp, xinh thì chỉ là một quả dứa... Cái ngai làm cho mẹ Mụ chỉ bằng bẹ chuối thôi, nhưng khi nói cho Mụ biết thì phải mô tả đó là một cái ngai rất đẹp, có lọng che, có hoa hai bên và mời mẹ Mụ vào đó ngồi để nghe những ý nguyện, trình bày của người trần. Hệ thống lễ vật mang tính tượng trưng rất cao, thực ra là để cuộc sống tinh thần của người ta thật thoải mái". - Ông Hiệu lý giải.

Mỗi đứa trẻ là một bông hoa

Người Tày Bình Liêu quan niệm, mỗi đứa trẻ được sinh ra là do mẹ Mụ ban phát. Và khi được mẹ ban phát con cái, các gia đình phải nâng niu, chiều chuộng chúng và chăm sóc, dạy dỗ chu đáo chúng nên người. Mẹ ban hoa đỏ là con trai, ban hoa vàng là con gái.

Khi trẻ được 30 ngày tuổi, gia đình sẽ tổ chức lễ đầy tháng. 

"Một đứa trẻ khi chưa đủ một tháng, có mệnh yểu, không thể sống được, người Tày gọi là đấy là một bông hoa héo, rụng đi. Khi đứa trẻ được một tháng, khỏe mạnh, có nghĩa bông hoa đấy sẽ kết thành trái. Trong ngày đầy tháng, đứa trẻ đấy được chính thức công nhận là một thành viên của gia đình. 

Lễ đầy tháng được gia đình tổ chức quy củ, quy mô bởi đó là ngày trọng đại của đứa trẻ. Ngày đó, đứa trẻ sẽ được ra khỏi buồng của mình, được đi vào nhà chính, ra ngoài sân, được gặp gỡ nhiều người và nhận quà, lời chúc phúc của mọi người. Chính thức từ đây, đứa trẻ sẽ được mẹ Mụ bảo hộ.

Thu Cúc/VOV4

 


 
 
 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC