Người Thái xứ Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nói rằng, múa xòe, nhất là múa xòe ngày xuân thì phải vui và càng đông càng vui. Càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, bản làng thêm rộ rã không khí xuân.
Chị Teo Thị Lơi, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: Sau những ngày, tháng dài vất vả lao động trên ruộng nương, không khí rộn ràng của những làn điệu xòe xuân làm mọi người quên đi những mệt nhọc thường ngày. Ở Mường So bây giờ, bản nào cũng có đội văn nghệ và chủ yếu là các chị em gái. Năm nào cũng vật, cứ trước tết Nguyên đán chị em lại cùng quây quần để học, luyện tập, khiến không khí thôn bản thêm rộn rã, vui tươi.
Mang tính chất kế thừa và phát huy sâu rộng, đến nay trên quê hương điệu xòe Thái ở bản Vàng Pheo, nhưng người con gái Thái thuần khiết, rạng rỡ như bông hoa ban đầu mùa vẫn đang chăm chỉ luyện tập, uyển chuyển theo những điệu múa để nối dài những tinh hoa, tinh túy của đồng bào dân tộc mình. Những động tác múa hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm bó chặt người hòa cung âm thanh của trang sức bạc quấn quanh người, tạo lên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo chị Lò Thị Hường, một người dân ở bản Vàng Pheo: Múa xòe cũng như các tiết mục múa khác có nhiều kiểu múa khác nhau. Bất cứ khi nào khách đến hoặc là có dịp ngày lễ, ngày tết đều có các đội văn nghệ phục vụ. Và các điệu múa này không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, ai ai cũng có thể vào múa. Bởi vậy, múa xòe thể hiện sự đoàn kết của dân tộc Thái.
Xứ Mường So ở Lai Châu, nơi từ lâu vẫn được biết đến là quê hương, nguồn cội của đồng bào dân tộc Thái trắng ở Tây Bắc, nức tiếng với những điệu xòe làm ngây ngất lòng người. Theo nghệ nhân dân gian Lò Thị Đối, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: Các động tác múa xòe ngày xuân cơ bản là vung tay lên cao, rồi mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh, cùng bước chân nhịp nhàng. Các điệu múa tuy đơn gian, nhưng thể hiện cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của cả cộng đồng.
Còn ông Điêu Văn Thuyển, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xòe xuân được chọn lọc gồm 6 điệu múa phổ biến. Không ai nhớ điệu xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ khi lọt lòng, các em gái Thái đã được người già trong bản dạy rằng “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Câu ca ấy đã ngấm vào máu các bé gái Thái, để rồi lớn lên, những điệu xòe đó đã đi cùng các em từ mùa xuân này đến mùa xuân khác.
Cũng theo ông Thuyển, trong múa xòe được phân thành 2 loại, một loại xòe có diễn viên, khi đó con trai đàn tính và con gái xòe. Còn xòe cộng đồng hay còn gọi là xòe tết, nhạc cụ chính là trống, chiêng. Khi đó không phân biệt dân hay quan, giàu hay nghèo, tất cả đều cùng vào xòe được. Và những điệu xòe này người ta chủ yếu diễn từ mùng 1 đến 15 tết và chủ yếu vào ban đêm.
Mùa xuân ở Lai Châu không chỉ là dịp để đón Tết, mà còn là thời điểm để người dân tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua điệu múa xòe. Những bước nhảy uyển chuyển, những tiếng nhạc rộn ràng, hòa vào không gian thiên nhiên hùng vĩ, trở thành lời chúc phúc ngọt ngào cho một năm mới an lành và thịnh vượng. Để rồi mỗi dịp tết đến xuân về, xòe không chỉ là nghệ thuật, mà là sợi dây kết nối cộng đồng, là biểu tượng của tình đoàn kết, yêu thương và sức sống mãnh liệt của bản sắc dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa vượt thời gian./.
Viết bình luận