Tham gia lớp có 64 nghệ nhân và học viên người Ê Đê tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Các học viên sẽ được trang bị các kỹ năng nhận diện, phân tích, lựa chọn để tự giới thiệu các di sản văn hoá về cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ dân tộc; sử dụng kỹ thuật photovoice – cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình…Song song với học lý thuyết, học viên được đi thực hành, trải nghiệm thực tế tại các buôn làng. Qua đó giúp học viên tự phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tại chính cộng đồng mình, có khả năng tạo ra những sản phẩm ghi hình với chất lượng nội dung và hình ảnh, âm thanh tốt hơn theo hướng có mục đích rõ ràng. Đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị, vai trò của di sản với đời sống cộng đồng, chủ động áp dụng phương pháp photovoice vào giới thiệu, diễn giải, lưu giữ và quảng bá các giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, lớp tập huấn là một hoạt động của Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng, thuộc Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Cùng với Đắk Lắk, các lớp tập huấn cũng được tổ chức tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Tây Ninh, dành cho người dân các dân tộc thiểu số.
“Trao đổi giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm với các cộng đồng nắm giữ các di sản quý báu đó. Như ở Đắk Lắk là địa bàn đậm đặc di sản cồng chiêng để chia sẻ các kinh nghiệm hướng dẫn để đồng bào có thêm kinh nghiệm trong việc khai thác di sản hướng tới biến di sản đó thành tiềm năng, tiềm lực để phát triển dùng di sản để phát triển chính các cộng đồng của mình, một phần nào đó để giải quyết thu nhập, kinh tế của gia đình, rộng hơn là phát triển cộng đồng”, ông Thành nói./.
Viết bình luận