Đến nay, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã phát triển được gần 1.000 héc-ta cà phê Arabica. Nhà có 2 héc-ta cà phê trong vùng nguyên liệu liên kết với Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen, anh Lê Văn Thận, làng Tu Ma, xã Măng Cành, cho biết : “Gia đình tôi trước kia chỉ trồng cà phê theo bản năng thôi cũng không có kỹ thuật. Liên kết với Hợp tác xã được kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cho gia đình tôi cách trồng, cách chăm sóc, rồi cách thu hái cà phê thấy hiệu quả gia đình tôi năm nay phát triển thêm 2ha nữa”.
Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, cùng với diện tích đạt đến hơn 4.100 héc-ta, Kon Tum đã bước đầu xây dựng được các liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất kinh doanh cà phê. Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen, cho biết, quy mô liên kết sản xuất cà phê sạch của Hợp tác xã với hộ dân ngày càng được mở rộng và lợi ích mang lại cho cả hai bên.
“Quả chín chắc chắn chất lượng tốt hơn, hàm lượng các chất đặc trưng của cà phê đượm hơn giá trị rất là cao. Hợp tác xã chúng tôi cam kết thanh toán cho bà con mỗi kg quả tươi mà trên 90% quả chín hái trên cây thì chúng tôi mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường hiện tại. Bà con thấy được lợi ích bà con sẵn sàng hợp tác”, ông Vũ nói.
Cây cà phê xứ lạnh Arabica đã phát huy hiệu quả tốt ở các huyện vùng cao tỉnh Kon Tum, đem lại thu nhập vượt trội cho bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cà phê xứ lạnh ở cả 3 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông còn phân tán ở nhiều diện tích manh mún, nhỏ lẻ; nhiều bà con chăm sóc không tuân thủ quy trình kỹ thuật dẫn đến cây sinh trưởng kém, năng suất thấp; tình trạng thu hái quả xanh còn phổ biến khiến chất lượng sản phẩm hạn chế.
Là địa phương có tổng diện tích cây cà phê xứ lạnh nhiều nhất tỉnh Kon Tum với hơn 1.700 héc-ta, ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, cho biết, huyện đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển loại cây trồng này.
“Bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật cho nhân dân, tuyên truyền vận động bà con phục hồi, chăm sóc những diện tích đã có, huyện tiếp tục sử dụng các nguồn vốn được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu cũng như là nguồn ngân sách của huyện, xã nâng cao chất lượng của cây cà phê để cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân”, ông Khoa nói.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông, cho biết: “Hiện nay huyện đang rà soát tất cả diện tích hiện có, phân loại từng diện tích cụ thể: diện tích đang thu hoạch, diện tích trồng mới và diện tích cây đã già cỗi để phát triển và tái canh những diện tích già cỗi và những diện tích mà không phù hợp chuyển đổi trồng lại giống mới để năng suất cao, giá trị kinh tế cao”.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến hết năm 2025 mở rộng diện tích cây cà phê xứ lạnh Arabica lên hơn 5.000 héc-ta. Chính quyền, ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị, hợp tác xã ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông đang triển khai nhiều mô hình để phát triển thêm diện tích, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây cà phê xứ lạnh./.
Viết bình luận