Để bảo vệ tốt tổng đàn trâu bò lên tới gần 210.000 con, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã phối hợp các địa phương nhắc nhở, đôn đốc người dân gia cố, che chắn chuồng trại chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chống rét cho từng loại cây trồng. Chính quyền cũng khuyến cáo người dân tích trữ đủ thức ăn gia súc cho mùa đông với các loại sẵn có như rơm rạ, chuối, cỏ khô; hướng dẫn chi tiết cách chế biến, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho từng loại vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp. Đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh, khử trùng, tiêm phòng ngăn một số loại dịch bệnh có thể phát sinh như lở mồm long móng, viêm da nổi cục…
Bà Nông Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về phòng chống đói, rét cho vật nuôi, cây trồng trên địa bàn. Chúng tôi huy động cán bộ, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nhắc nhở người dân. Ngay từ vụ mùa, đã vận động nhân dân tích trữ rơm, rạ sau thu hoạch để làm thức ăn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động nhắc nhở nhân dân vệ sinh, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn vật nuôi…”
Thực tế công tác phòng chống rét những năm qua cho thấy, một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa làm tốt công tác vệ sinh, che chắn chuồng trại, tích trữ thức ăn, thậm chí vẫn thả rông gia súc ngoài rừng... dẫn tới sức đề kháng của đàn vật nuôi suy giảm, dễ nhiễm các loại bệnh dịch khi nhiệt độ xuống thấp.
"Chúng tôi đã có văn bản và thường xuyên rà soát, kiểm tra, nhắc nhở làm sao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương được áp dụng trong thực tiễn. Đề nghị các địa phương tuyên truyền nhân dân quan tâm vệ sinh chuồng trại, không để chuồng trại ẩm ướt đặc biệt là trong những ngày giá rét để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất nhiệt đối với đàn gia súc, quan tâm che chắn chuồng trại và phải đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi...", Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng nói.
Những năm gần đây, Cao Bằng thường xuyên xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan trong mùa đông như băng giá, sương muối kèm rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là đàn vật nuôi. Riêng năm 2022 địa phương này đã có hơn 1.400 con gia súc bị chết; đầu năm nay, Cao Bằng cũng có tới hơn 300 con trâu bò chết do rét đậm./.
Viết bình luận