Tầm 6 giờ sáng ngày 30/11, nhiều người dân các xã lân cận thị trấn Tô Hạp đã đưa nông sản đến bày bán tại khu vực sân của nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố Hợp Thịnh, thị trấn Tô Hạp. Đây là chợ phiên mỗi tháng chỉ mở duy nhất một lần vào ngày cuối cùng của tháng dương lịch để người dân là đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Khánh Sơn mua bán nông sản.
Chị Bo Bo Thị Loan (31 tuổi) ở xã Sơn Bình, huyện miền núi Khánh Sơn bán nông sản ở chợ phiên thị trấn Tô Hạp 2 năm nay. Mỗi tháng đến phiên chợ này, chị hái các loại rau, củ trên rẫy từ chiều hôm trước để kịp đưa ra bán. Từ ngày có chợ phiên tại thị trấn Tô Hạp, chị Loan được tiếp xúc với nhiều người, việc giao tiếp cũng mạnh dạn hơn. Chị Bo Bo Thị Loan mang đến chợ phiên các loại trái cây, rau nhà trồng an toàn, tươi ngon và bán giá cả phải chăng như: rau cải 5 ngàn đồng/bó, hoa đu đủ 50 ngàn đồng/kg, vú sữa hoàng kim 35 ngàn đồng/kg... Chị Bo Bo Thị Loan chia sẻ, thời gian sắp tới gia đình chị sẽ trồng thêm các loại rau, cây ăn trái và bán thêm các mặt hàng khác để người dân đến mua thường xuyên.
Mỗi tháng, tại chợ phiên thị trấn Tô Hạp, huyện miền núi Khánh Sơn có hàng chục loại nông sản của người dân được bày bán. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số mang ra chợ bán những nông sản sạch, tự trồng như rau sạch, thịt heo bản địa, măng le, mật ong, chuối rừng, nấm linh chi, nấm bào ngư, các loại trái cây. Chợ phiên còn bày bán những ngọn bí xanh, ngọn bầu, bắp chuối, con gà, trứng gà, quả khóm và các sản phẩm đồ thủ công gùi. Phiên chợ chủ yếu bán các loại rau, củ của người dân tự trồng nên chỉ diễn ra khoảng 3 tiếng đồng hồ đã hết hàng. Hầu hết những người đến mua đều ưa thích các loại nông sản này.
Ông Đỗ Huy Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, chợ phiên thị trấn Tô Hạp tổ chức từ tháng 9/2023 đến nay. Chợ phiên này nhằm trao đổi hàng hóa, vui chơi, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân Raglai ở huyện Khánh Sơn. Qua việc buôn bán giúp người dân thay đổi nhận thức, mở rộng trồng trọt, sản xuất, mua bán nông sản tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Cũng theo ông Đỗ Huy Hiệp, trước đây, bà con ngại, không muốn giao lưu mua bán, làm được gì là chỉ để ở nhà. Chợ phiên này tạo cho bà con thay đổi tư duy, người dân đã dám đưa sản phẩm nông sản ra mua bán, sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt, giá cả cũng ổn định hơn. Mới đầu, ban tổ chức phiên chợ vận động bà con ra bán rất khó khăn, bây giờ cứ tới ngày mở phiên chợ, bà con chủ động mang nông sản ra bán. Hiện nay huyện Khánh Sơn có hướng hỗ trợ duy trì chợ Tô Hạp và sẽ mở rộng ra các xã khác./.
Viết bình luận