Trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Huy Thương, ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, từ cuối những năm 1959 là những ngày tháng không thể nào quên. Khi ấy ông mới 17 tuổi, đã rời quê hương Hà Tĩnh, xung phong lên đường làm nhiệm vụ theo tiếng gọi của tổ quốc. Hơn 12 năm 7 tháng gắn bó trên tuyến đường Trường Sơn, từ khi là thanh niên xung phong đến khi trở thành quân nhân chuyên nghiệp, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội ngã xuống, nằm lại trên tuyến đường này. Ông Nguyễn Huy Thương kể, do có vai trò chiến lược quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam nên đường Trường Sơn là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, pháo binh Mỹ, Ngụy. Để bảo vệ những chuyến hàng đưa đến địa điểm tiếp nhận, ông và các đồng đội phải tìm mọi cách vượt qua mưa bom bão đạn, lần mò đi trong đêm tối giữa những cánh rừng sâu.
“Đường đó có 4 trạm, từ ngoài Quảng Bình đi vào là trạm 1, lên tuyến giữa là trạm 2 rồi trạm 3, đến trạm 4 là xuống đồn Cù Bai. Nhưng vì ở vào thế bên kia là Ngụy quân Sài Gòn, bên này ta buộc phải đi sang Lao Bảo, Triệu Phong, sau đó luồn qua đường 9 để vào dốc 700. Trung đoàn 71 của bộ đội Quân khu 4 họ mở đường ở đó lâu rồi, chúng tôi vào đó nhiệm vụ là gùi, thồ hàng hóa, làm thế nào vận chuyển được đảm bảo, ví dụ 10 cân ở đây thì vào đến tuyến cuối cùng cũng phải còn được 1 cân. Hi sinh thì giờ không thể nói hết được”, ông Thương nói.
Là một tuyến hậu cần chiến lược, đường Trường Sơn chạy dọc từ Bắc vào Nam, có đoạn đi qua hạ Lào, Campuchia. Tại Đắk Lắk, đường Trường Sơn có đoạn đi qua địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Trong đó, Bến phà Sêrêpôk là một cửa ngõ huyết mạch chi viện sức người, sức của, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước Lào, Campuchia. Chính con đường này đã tạo điều kiện cho quân giải phóng mở những chiến dịch lớn như Xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân Hè năm 1972 và chiến dịch Tây Nguyên 10/3/1975 mở đầu cho đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước.
Đại tá Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 kể, năm 1973, khi ấy ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 470, Đoàn 559), được giao nhiệm vụ chỉ huy thi công đoạn đường Trường Sơn dài khoảng 80 km từ đường 19 (Gia Lai) đến sông Sêrêpốk (Đắk Lắk). Trong đó, đoạn qua sông Sêrêpốk xây dựng các hạng mục: bến phà qua sông, bến ngầm xe tăng, cầu nổi để xe tăng, ô tô, pháo binh và bộ binh vượt sông. Trong quá trình ấy, không quân, pháo binh địch đánh phá ác liệt, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 470 anh dũng hy sinh, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Với vị trí chiến lược quan trọng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk được coi là một trong những căn cứ địa kháng chiến. Đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Đắk Lắk không chỉ là một mắt xích quan trọng trong hệ thống tuyến chi viện mà còn là căn cứ địa chiến lược trực tiếp của chiến trường B2, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai Ngụy Sài Gòn. Do đó, bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, dân quân tự vệ địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã sôi nổi tham gia, bảo đảm giao thông trên sông Sêrêpôk trong những năm chống Mỹ. Ông Tô Tấn Tài, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết, theo lời kêu gọi của Đảng, các tầng lớp nhân dân ở Đắk Lắk đã vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu kiên cường, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo cho đoàn xe được nối tiếp đôi bờ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
“Công lao người dân Đắk Lắk đóng góp để xây dựng tuyến hành lang đi vào Nam, đồng bào đóng góp lực lượng nam nữ thanh niên các dân tộc, hồi đó mình huy động để bổ sung vào các trạm giao bưu trong kháng chiến. Cứ đi một ngày đường là tới một trạm giao bưu như vậy thì phần lớn là rút các anh chị em người dân tộc của tỉnh tham gia các trạm đó. Anh em đóng góp, hồi đó hi sinh cũng rất nhiều nhưng anh em họ đóng góp thì rất quý”, ông Tài nói.
Hơn 65 năm đã trôi qua kể từ khi tuyến đường được xây dựng nên, nhưng con đường Trường Sơn huyền thoại và ký ức của những người lính vẫn sống mãi trong tâm trí người dân Việt Nam. Đó không chỉ là câu chuyện về sự hy sinh, gian khổ, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng tự hào dân tộc. Những năm tháng lịch sử ấy đã viết nên bản hùng ca bất diệt, là di sản tinh thần vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau, tiếp bước gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam./.
Viết bình luận