Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 132.800 phụ nữ dân tộc thiểu số từ 18 tuổi trở lên. Thực hiện các nội dung được phân công trong Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, giai đoạn 2021 – 2030, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” (Dự án 8), hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại 519 thôn, buôn thuộc 54 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, phụ nữ khuyết tật.
Phối hợp với Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Dự án 7). Trong đó, tập trung triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ gồm: Chăm sóc trước sinh; Hỗ trợ chăm sóc trong sinh; Hỗ trợ chăm sóc sau sinh và Chăm sóc sức khoẻ trẻ em.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị truyền thông, tập huấn về kiến thức làm mẹ an toàn cho gần 2.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; tuyên truyền sức khoẻ sinh sản cho trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ sinh con tại nhà cao; cấp phát 8.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức làm mẹ an toàn đến hội viên phụ nữ và người dân trong vùng dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk nêu thực tế: “Bộ Y tế và Sở Y tế là đơn vị đầu mối hướng dẫn triển khai các hoạt động chuyên môn, còn nguồn kinh phí sẽ do UBND tỉnh phân bổ về UBND huyện. Đối với cấp huyện, trung tâm y tế là đầu mối tham mưu xây dựng kế hoạch gửi UBND huyện ban hành. Tuy nhiên trong quá trình phối hợp giữa UBND huyện và trung tâm y tế huyện còn rất nhiều bất cập, khó khăn, chưa có sự đồng bộ, chặt chẽ. Dẫn đến một số huyện ban hành kế hoạch chậm trễ, triển khai các hoạt động chưa nhiều, giải ngân kinh phí chậm tiến độ”.
Từ những bất cập vừa nêu, đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, triển khai các nội dung dự án; xây dựng, nhân rộng và phát huy vai trò các mô hình của phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số. Làm tốt hơn công tác phối hợp với các ngành chức năng trong việc hỗ trợ việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Bà H Mi Niê, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nêu đề xuất: “Đề xuất cấp trên kịp thời hỗ trợ chế độ cho cộng tác viên thôn buôn đi tuyên truyền về nội dung này. Hai nữa là thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, bởi các tổ này là lực lượng sâu sát với bà con trong buôn hơn nên khi được tập huấn thì họ sẽ tuyên truyền cho bà con nhân dân mình đạt hiệu quả cao hơn”./.
Viết bình luận