Thay đổi nếp nghĩ, người Jarai thoát nghèo bền vững
Thứ tư, 08:26, 16/10/2024 Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (năm 2021) tới nay, mỗi năm tỉnh Gia Lai giảm khoảng 3% số hộ nghèo. Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo tại tỉnh được tập trung tại vùng dân tộc thiểu số, với việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án và khuyến khích người dân thay đổi tư duy sản xuất để thoát nghèo bền vững.

 

Chị Ksor H'Nhươn (sinh năm 1994) ở Bôn Tông Se, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai kể: Trước đây, với 4 sào đất lúa rẫy, năm nào thời tiết thuận lợi thì gia đình đủ gạo ăn. Năm 2022, chị H'Nhươn được huyện tặng một con bò sinh sản từ chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã về cách trồng cỏ, nuôi bò và làm ruộng lúa nước, đến nay gia đình chị đã có đàn bò 4 con.

Còn các hộ nghèo đã có bò như chị Rlan H'Wanh (sinh năm 1988) ở Plơi APa Ơi Hbriu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa năm nay được tham gia học lớp chăn nuôi. Chị H'Wanh cho biết, chị và 20 hộ trong làng được học từ vệ sinh chuồng trại đúng cách đến cách nhận biết, sớm xử lý một số bệnh phổ biến như lở mồm long móng và viêm da nổi cục trên trâu bò. Vì vậy, việc chăn nuôi đã hiệu quả hơn. Gia súc luôn được gia đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, được phòng bệnh và khi phát hiện mắc bệnh, chị và gia đình đã biết cách điều trị hiệu quả. 

Cùng với hỗ trợ sinh kế và đào tạo nghề phù hợp với tập quán sản xuất của bà con, tại các xã khó khăn ở huyện Ia Pa cũng được đầu tư làm mới hàng chục km giao thông nội đồng, giúp bà con thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản. Theo ông Rcom Ngưl, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bôn Trôk, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, từ năm 2021 đến nay thôn được nhà nước quan tâm xây dựng đường bê tông liên thôn và đường nội đồng, việc đi lại khá thuận lợi, bà con phấn khởi, vận chuyển nông sản không còn vất vả như trước.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai giảm xuống còn 8,11%, thấp hơn 3% so với năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% (năm 2021) xuống còn 17,05% vào năm 2023, vượt chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều hàng năm.

Riêng huyện Ia Pa, năm 2023 có 2.174 hộ nghèo, chiếm 15,26% tổng số hộ, giảm 4% so với năm trước. Trong năm, huyện đã huy động 583 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” xây 8 căn nhà “Đại đoàn kết” và trao hơn 1.000 suất quà cho các hộ khó khăn.

Huyện cũng mở 11 lớp xóa mù chữ cho 310 người và 10 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 người, giúp người dân có thêm kỹ năng và cơ hội việc làm. Ông Ksor Suy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết mục tiêu quan trọng của các chương trình giảm nghèo là giúp người dân thoát nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo. 

Để thực hiện mục tiêu này, huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo ở cơ sở. Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo đối với người dân; thực hiện đầy đủ và kịp thời những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, hạn chế tình trạng người dân rơi vào tình trạng tái nghèo; góp phần giảm nghèo đa chiều và bền vững.

Có thể khẳng định, các mô hình sinh kế phù hợp với tập quán địa phương đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thêm tự tin vươn lên để thoát nghèo bền vững./.

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC