Thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương
Thứ ba, 09:49, 16/07/2024 Hoàng Thái (Tổng hợp) Hoàng Thái (Tổng hợp)
VOV4.VOV.VN - Thời tiết diễn biến phức tạp những ngày qua đã gây nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Một số hộ dân ở xã Bù Đăng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và nhiều nhà dân ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất.

 

 

Sạt lở đất vùi nhà, gia đình ở Bình Phước hốt hoảng bỏ chạy

Tối 15/7, lực lượng chức năng địa phương xã Bù Đăng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã khắc phục xong vụ sạt lở đất xảy ra tại thôn 2 khiến một căn nhà bị thiệt hại nặng. 

Theo thông tin ban đầu, khoảng 3h sáng cùng ngày, gia đình ông Chu Văn Long, ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đang ngủ trong nhà thì bất ngờ nghe tiếng động lớn. Khi tỉnh dậy, cả nhà ông Long phát hiện một khối lượng lớn đất đá từ sườn đồi đang tràn vào nên hốt hoảng bỏ chạy ra bên ngoài. 

Nhận được tin báo, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng, lực lượng dân quân, công an và đoàn thanh niên xã Đăng Hà đã nhanh chóng đến hiện trường hỗ trợ gia đình ông Long dọn dẹp đất đá và khắc phục hậu quả.

Rất may, vụ sạt lở đất không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, toàn bộ phần mái nhà, tường rào, cửa nhà và nhiều vật dụng khác của gia đình ông Long đã bị hư hỏng nặng. Ước tính ban đầu, thiệt hại do vụ sạt lở đất gây ra lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhằm bảo an toàn trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương huyện Bù Đăng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao để chủ động phòng tránh. Đồng thời chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất như: nứt nẻ mặt đất, sụt lún nền nhà, méo mó kết cấu công trình… và kịp thời báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện.

(Thiên Lý/VOV TP.HCM)

Phú Quốc: Người dân đã trở về nhà sau lụt, hơn 700 du khách mắc kẹt được hỗ trợ giảm giá phòng nghỉ

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Phú Quốc, đến 08h00 sáng 15/7, nước đã rút hoàn toàn, người dân đã trở về nhà và sinh hoạt bình thường.

Theo báo cáo, mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các ấp Bến Tràm, Cây Thông Ngoài, và Cây Thông Trong thuộc xã Cửa Dương. Tổng cộng, 139 hộ dân đã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, trong đó có 60 hộ tại ấp Cây Thông Ngoài, 25 hộ tại ấp Bến Tràm và 54 hộ tại ấp Cây Thông Trong.

Lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ người dân. 94 nhân viên của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai phối hợp với lực lượng địa phương đã tham gia cứu hộ. Các phương tiện được sử dụng bao gồm 1 xe tải, 16 xe gắn máy, cùng với phao bè, áo phao và các thiết bị cứu hộ khác. May mắn thay, không có thiệt hại về người tuy nhiên, tài sản của người dân đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính giá trị thiệt hại về nhà cửa và tài sản khoảng 135 triệu đồng. Cụ thể, 03 xe máy và nhiều đồ dùng gia đình bị hư hỏng. Hiện chưa có ghi nhận thiệt hại về sản xuất và tàu cá.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai đã kịp thời hỗ trợ di dời 22 hộ dân đến nơi an toàn và hỗ trợ di dời tài sản cho 40 hộ dân khác, 50 lượt xe máy đã được đưa ra khỏi khu vực ngập lụt có nguy cơ hư hỏng cao. Đặc biệt, lực lượng cứu hộ đã kịp thời đưa một sản phụ đến Trung tâm y tế thành phố Phú Quốc an toàn và mẹ con hiện đều khỏe mạnh.

Trong khi đó, do mưa bão nên tại đảo Nam Du, huyện Kiên Hải có  hơn 700 khách du lịch bị mắc kẹt lại.

Bà Trần Thị Yến Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) – cho biết, hiện trên đảo Nam Du còn hơn 700 du khách đang còn mắc kẹt vì không có tàu về đất liền. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn trên đảo chủ động giảm từ 30% đến 50% giá phòng để hỗ trợ cho du khách mắc kẹt.

Chủ một cơ sở lưu trú tại Nam Du cho hay, từ ngày 14/7, giảm 50% giá phòng cho khách đang kẹt tại nhà nghỉ của mình, cho tới khi tàu hoạt động, chỉ phụ thu chi phí điện, nước. Ngoài ra, khách có thể thoải mái dùng gạo và bếp của nhà nghỉ để nấu ăn mà không phải trả tiền.

Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cũng đã gửi văn bản đến các cơ sở lưu trú, khu vui chơi…., yêu cầu tăng cường nhắc nhở và đảm bảo an toàn cho du khách. Các đơn vị có bãi tắm, hồ bơi phải bố trí đội ngũ nhân viên cứu hộ và cắm biển báo tại các vị trí nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho khách du lịch./.

(Lam Hiếu/VOV ĐBSCL)

Vụ sạt lở đất khiến cô giáo tử vong: nhiều người chung tay hỗ trợ gia đình nạn nhân

Đến 17h chiều 15/7, các cơ quan, đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã chia sẻ, hỗ trợ gia đình cô giáo bị tử vong do sạt lở đất số tiền hơn 130 triệu đồng để lo hậu sự.

Cùng với công tác khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất, lãnh đạo UBND huyện Đam Rông đã đến động viên, chia sẻ đau thương và hỗ trợ bước đầu gia đình người bị nạn số tiền 20 triệu đồng. Cùng với đó, đại diện các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương xã Đạ K’Nàng và đông đảo người dân trong khu vực cũng trích quỹ, huy động các nguồn đóng góp đến hỗ trợ gia đình thầy giáo Đặng Quang Lành, chồng của nạn nhân. Tổng số tiền hỗ trợ bước đầu đến thời điểm này là hơn 130 triệu đồng. Hiện gia đình và bà con địa phương đang tiến hành lo hậu sự cho nạn nhân.

Như Đài TNVN đã đưa tin, vụ sạt lở đất xảy ra vào  4h00 sáng 15/7, tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K' Nàng. Căn nhà bị đất đá vùi lấp có 2 vợ chồng là thầy giáo Đặng Quang Lành và cô giáo Nguyễn Thị Thu cùng với 2 con nhỏ (10 tuổi và 13 tuổi). Khi sự cố xảy ra, thầy giáo Lành và 2 con nhỏ may mắn kịp thời thoát ra ngoài, cô giáo Thu bị vùi lấp dưới đống đất đá. Thầy giáo Lành là giáo viên Trường THCS Đạ K'Nàng (xã Đạ K'Nàng), còn cô giáo Thu là giáo viên dạy trường Tiểu học Chu Văn An (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương huyện Đam Rông, xã Đạ K’Nàng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Đến 6h00 sáng 15/7, thi thể cô giáo Thu được tìm thấy.

Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất, đồng thời chung tay cùng người dân hỗ trợ gia đình lo hậu sự.

 (Quang Sáng/VOV Tây Nguyên)

Nhiều nhà dân ở Mường Ảng (Điện Biên) phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất

Chính quyền huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đang khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do sạt lở đất, đá sau mưa lớn kéo dài.

Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã gây sạt lở đất, làm một số nhà dân trong xã bị đổ sập, nứt tường phải di dời đến nơi an toàn.

Cụ thể, vụ sạt lở xảy ra vào trưa ngày 14/7, khiến tường nhà của gia đình ông Quàng Văn Tiến ở bản Búng, xã Búng Lao bị đổ sập. Nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, rất may không có thiệt hại về người. Lượng đất đá sạt lở xuống ước tính khoảng 30m3. 

Qua kiểm tra còn có 4 hộ dân khác ở bản Búng bị đất đá sạt lở xuống, gây hư hỏng một số hạng mục công trình phải di dời. Hiện UBND xã Búng Lao đang tiếp tục theo dõi để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Cùng trong huyện Mường Ảng, mưa lớn cũng làm sạt lở, khiến đất đá tràn vào nhà ở của 3 hộ dân thuộc bản Co Hắm và bản Sẳng, xã Ngối Cáy; nhiều điểm trên các tuyến giao thông đi các xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Xuân Lao, Mường Lạn… xuất hiện sạt lở, hàng trăm mét khối đất đá đổ tràn xuống nền mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Với phương châm “4 tại chỗ”, hiện chính quyền huyện Mường Ảng đang khẩn trương hỗ trợ di chuyển người và tài sản của các gia đình bị thiệt hại và gia đình ở khu vực nguy cơ không an toàn ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời huy động máy móc hót dọn đất, đá tại các điểm sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt, an toàn./.

(TTTB  - Vũ Lợi, 15/7)

 

Hoàng Thái (Tổng hợp)

Viết bình luận

Tin liên quan

Bộ đội biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả sạt lở đất
Bộ đội biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả sạt lở đất

VOV4.VOV.VN: Những ngày qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng và tập trung tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ- tỉnh Lai Châu. Tại một số tuyến giao thông như Quốc lộ 4D, 4H và các tuyến đường tỉnh 133, 127… đã xuất hiện sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ.   

Bộ đội biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả sạt lở đất

Bộ đội biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả sạt lở đất

VOV4.VOV.VN: Những ngày qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng và tập trung tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ- tỉnh Lai Châu. Tại một số tuyến giao thông như Quốc lộ 4D, 4H và các tuyến đường tỉnh 133, 127… đã xuất hiện sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ.   

Cần di dời người dân vùng sạt lở đất ở các huyện miền núi Quảng Trị
Cần di dời người dân vùng sạt lở đất ở các huyện miền núi Quảng Trị

VOV4.VOV.VN - Tình trạng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển tại tỉnh Quảng Trị diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Huyện miền núi Hướng Hóa là nơi có nguy cơ rất cao về sạt lở đất.

Cần di dời người dân vùng sạt lở đất ở các huyện miền núi Quảng Trị

Cần di dời người dân vùng sạt lở đất ở các huyện miền núi Quảng Trị

VOV4.VOV.VN - Tình trạng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển tại tỉnh Quảng Trị diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Huyện miền núi Hướng Hóa là nơi có nguy cơ rất cao về sạt lở đất.

Quảng Bình: Sườn núi bị nứt, người dân lo sợ sạt lở mùa mưa bão ​
Quảng Bình: Sườn núi bị nứt, người dân lo sợ sạt lở mùa mưa bão ​

VOV4.VOV.VN - Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Bình phát hiện 85 điểm dễ xảy ra sạt lở núi, đe dọa tính mạng hơn 1.100 hộ dân. Đáng lo ngại, trên sườn núi Cây Sường, ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện vết nứt lớn. Sau những đợt mưa to, đất đá tiếp tục sạt trượt, gây nguy hiểm đối với khu dân cư dưới chân núi này.

Quảng Bình: Sườn núi bị nứt, người dân lo sợ sạt lở mùa mưa bão ​

Quảng Bình: Sườn núi bị nứt, người dân lo sợ sạt lở mùa mưa bão ​

VOV4.VOV.VN - Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Bình phát hiện 85 điểm dễ xảy ra sạt lở núi, đe dọa tính mạng hơn 1.100 hộ dân. Đáng lo ngại, trên sườn núi Cây Sường, ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện vết nứt lớn. Sau những đợt mưa to, đất đá tiếp tục sạt trượt, gây nguy hiểm đối với khu dân cư dưới chân núi này.

Bình Định: Vì sao người dân vùng sạt lở núi Cấm chưa được tái định cư?
Bình Định: Vì sao người dân vùng sạt lở núi Cấm chưa được tái định cư?

VOV4.VOV.VN - Mùa mưa năm 2021, núi Cấm, thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bị sạt lở. Đất đá tràn vào nhà dân đe dọa tính mạng và ảnh hưởng cuộc sống bà con. Sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh Bình Định đã công bố tình huống khẩn cấp về việc sạt lở tại núi Cấm và có chủ trương tái định cư cho người dân sống dưới chân núi. Thế nhưng, sau 2 năm xảy ra sạt lở, người dân nơi đây vẫn chưa được tái định cư.

Bình Định: Vì sao người dân vùng sạt lở núi Cấm chưa được tái định cư?

Bình Định: Vì sao người dân vùng sạt lở núi Cấm chưa được tái định cư?

VOV4.VOV.VN - Mùa mưa năm 2021, núi Cấm, thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bị sạt lở. Đất đá tràn vào nhà dân đe dọa tính mạng và ảnh hưởng cuộc sống bà con. Sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh Bình Định đã công bố tình huống khẩn cấp về việc sạt lở tại núi Cấm và có chủ trương tái định cư cho người dân sống dưới chân núi. Thế nhưng, sau 2 năm xảy ra sạt lở, người dân nơi đây vẫn chưa được tái định cư.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC