Người Mông dùng cây lanh chữa cảm lạnh cho gia súc
Thứ năm, 00:00, 16/11/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình
​VOV4.VN - Những tháng cuối năm và đầu năm, Sa Pa, Lào Cai, luôn là tâm điểm của rét đậm, rét hại. Để đàn gia súc của mình khỏe mạnh, sống sót qua mùa đông, người Mông có nhiều kinh nghiệm quý chăm sóc và bảo vệ chúng.

 

Nền ván gỗ, lợp lá khi làm chuồng

Nằm ở độ cao 1.600m, Sa Pa là một trong những nơi có băng tuyết xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp 1 – 2 độ C, thậm chí là âm độ C, Sa Pa chìm trong sương muối và băng giá. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vật nuôi, nhất là gia súc của bà con. 

Mỗi đợt rét là một đợt vô cùng vất vả với người nông dân Mông. Những gia đình nuôi nhiều trâu, bò thường phải lùa xuống những vùng thấp để tránh rét. Chuồng bò, chuồng trâu muốn ấm, người Mông luôn làm bằng gỗ, lợp cỏ gianh. Lợp bằng loại cỏ này, những ngày sương mù, băng giá, hơi nước không ngưng tụ, trâu, bò được an toàn. Thậm chí, bà con mang cả chăn quây quanh chuồng để tránh gió lùa.


Người dân Sa Pa sơ tán đàn trâu tránh rét. Ảnh: baolaocai.vn

Đặc biệt, chuồng trâu, chuồng ngựa, chuồng bò bao giờ nền cũng được kê ván. Nếu không, ngựa hỏng móng, trâu bò nhiễm lạnh. Chị Vũ Thị Trang, phòng Di sản - Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, nói: “Theo kinh nghiệm của đồng bào, chân ngựa tiếp xúc với nền xi măng là không tốt. Tiếp xúc với đất thì được. Người ta thường kê ván để đất dễ hút nước”.

Rơm phun muối – món ăn giữ ấm ngày rét

Đề phòng mùa đông có mưa tuyết, cây cỏ chết hết, chẳng còn thức ăn cho gia súc, khi thu hoạch lúa, bà con thu toàn bộ số rơm, phơi thật khô, xếp đống dự trữ. Đến mùa đông, người ta lấy rơm đó thái mỏng, đem phun nước muối. Thế là có món ăn chống rét rất hữu ích.

Ông Giàng Seo Gà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Sa Pa, cho biết, muối là thức ăn chống rét rất tốt, nên khi cho trâu bò ăn uống, phải thêm muối, thân nhiệt của chúng mới được giữ ấm. 
“Ngày xưa chúng tôi còn trẻ, mùa đông, 3 – 4 giờ đã phải lên rừng cắt cỏ rồi. 5 giờ thồ cỏ từ trên rừng về đến nhà, dùng dao thái, cho ngựa ăn xong lúc đấy mới ăn cơm, xong mới đi làm được. Mỗi ngày, ít nhất người ta phải cho ăn hai bữa. Buổi sáng, buổi tối phải cho con trâu ăn 1 chậu to cám và có cả muối để nó có đủ sức chống rét. Mùa đông hay bị chết cỏ, khi người ta thu lúa là người ta thu toàn bộ số rơm của mình, phơi thật khô vào, xếp đống, đến mùa đông là thái mỏng, lấy nước muối phun vào. Mỗi ngày ăn hai bữa cám và cả ngày là cho ăn cỏ đấy”.

Khi nấu cám cho trâu bò, tuyệt đối phải dùng nước sạch. Nếu không, chúng ăn sẽ dễ bị ốm.

Chữa cảm lạnh cho gia súc bằng cây lanh

Mùa đông, gia súc dễ bị nhiễm lạnh và bị ốm. Vì thế, ngoài các cách kể trên người ta còn giã riềng hòa với muối cho chúng ăn để giữ nhiệt cho cơ thể.

Mùa đông, cước chân là bệnh trâu bò hay mắc phải nhất. Vì vậy, việc xoa bóp cho chúng mỗi buổi sáng là điều bà con không được bỏ bê trong mùa đông. Thuốc xoa bóp chế rất đơn giản. Cho nghệ, riềng, cua po (loại cây thân cỏ thường làm men rượu) đun sôi. Mỗi sáng, lấy thứ nước đó xoa đều khắp 4 chân gia súc, chúng sẽ miễn nhiễm với lạnh.

Người ta còn dùng thảo quả đập dập, hòa với gừng, cua po, thêm chút muối rồi cho trâu, bò uống. Thứ nước này giải cảm rất nhanh.

Đặc biệt, người Mông có một cách chữa cho gia súc bị nhiễm lạnh hữu hiệu bằng cây lanh. “Người ta lấy lõi của cây lanh đốt lên, xông vào mũi, con ngựa sẽ sạch hết những cái nhày nhụa ở trong mũi là nó khỏi. Trâu bò đều chữa như thế. Trong nhà người Mông, những người biết chăn nuôi, bao giờ cũng phải có 2 – 3 bó đó”. – ông Giàng Seo Gà cho hay.

Cỏ gianh tươi chữa biếng ăn, chướng bụng

Bện nắm cỏ gianh tươi, hơ nóng rồi xoa khắp người cho ngựa – một cách “đánh cảm” rất hữu hiệu. Hoặc, cây thảo quả, dầu gió, cho vào nồi nước đun sôi rồi cho ngựa uống. Chứng chướng bụng lập tức khỏi liền.

Trâu, bò sinh sản vào mùa đông sẽ cho những lứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc chăm sóc vô cùng vất vả. Khi con cái đến kỳ sinh nở, người ta thường tách cho ra ở riêng, tránh giẫm vào con khi chúng đẻ. 

Đặc biệt, bò rất kỵ nhốt chung đàn lúc đẻ. Khi chào đời, nếu sơ sểnh để nghé con dính phân của đàn, bò mẹ sẽ bỏ con ngay lập tức. Vì thế người Mông luôn phải nhốt riêng bò mẹ là vì thế.

Với bò, một việc nữa cần tránh là không cho chúng đẻ con tại nơi mổ thịt con bò khác. Ông Giàng Seo Gà lý giải: “Vào đấy là con mẹ nó không lấy con nữa. Cả năm nó mới đẻ một con mà bỏ thì thật là thiệt thòi. Nó mà bỏ con thì cả đàn bò đấy nó quỳ xuống, kêu rống lên hàng tiếng đồng hồ mới đi. Nó thương đồng loại”.

Những kinh nghiệm dân gian đơn giản nhưng lại rất hiệu quả ấy đã giúp bà con người Mông giảm được thiệt hại trong chăn nuôi vào mùa giá rét. 

 

 

 

Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC