Tri thức canh tác của người Thái đen
Thứ ba, 00:00, 14/11/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình
VOV4.VN - Canh tác lúa nước là hoạt động sản xuất chủ yếu của người Thái đen ở Điện Biên. Từ xa xưa, bà con nơi đây đã tích lũy được nhiều tri trức quý trong việc trồng và chăm sóc lúa, góp phần tạo nên cánh đồng Mường Thanh, vựa lúa lớn nhất Tây Bắc.


Hưu canh để đất nghỉ

Ngày trước, người Thái Đen ở Điện Biên thường chỉ làm 1 vụ trong năm. Tháng 6, tháng 7 cấy lúa, đến tháng 11 – 12 bà con bắt đầu vào vụ gặt. Thời gian còn lại để cho đất nghỉ. 

Anh Tòng Văn Hân, ở bản Liếng, xã Nong Luống, huyện Điện Biên, cho hay, việc để đất nghỉ như vậy góp phần tạo màu cho đất: “Cái hay của làm theo kiểu hưu canh này đất không bị chai cứng, đất có thời gian thoát độ chua và phơi khô. Lúc bấy giờ con trâu, con bò tập trung ăn cỏ, ăn gốc rạ của ruộng lúa nó thải chất thải ra đấy, cũng là một hình thức bón phân cho ruộng. Cho nên ruộng không bao giờ phải bón phân, trâu nó khắc ăn ở đấy, bón phân ở đấy”. 

Khi chọn đất làm ruộng, người Thái Đen ở Điện Biên rất cẩn thận. Đó phải là nơi đất thịt mềm, ít đá, gần với những cây có chất gỗ xốp như cây vông, trồng lúa mới có ăn. Tránh trồng gần những cây gỗ thân cứng, ấy là chỗ đất ít màu, lúa chẳng lên tươi tốt.

Chọn được đất người ta sẽ phát đi và đốt. Người ta sẽ đào những cây to bỏ ra ngoài ủ thối tạo một lớp phân chấp, dạng kiểu than non. Và người ta lấy những cái mục thối kia trở lại bón vào lúa.

Mùa no ấm trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên. Ảnh: VOV

Gốc rạ giữ màu cho đất

Khi thu hoạch lúa, để giữ màu cho đất, họ sẽ giữ lại gốc rạ tại ruộng. Đây là một loại phân bón rất tốt cho đất sau này. 

Trong ruộng lúa của người Thái đen người ta rất hay thả cá, chủ yếu là cá chép, cá diếc, hoặc cá quả. Điều thú vị là những chú cá này vô cùng có ích trong việc trồng lúa.

“Cá sẽ sục bùn để kiếm mồi, tạo độ thoáng của đất để rễ cây mạ càng ngày càng kích thích phát triển hơn. Khi nó sục bùn, làm rung cây lúa, những con rầy, con sâu trên lá lúa rơi xuống, con cá lại ăn tiếp. Người ta không sử dụng thuốc trừ sâu như bây giờ mà ruộng vẫn tốt” – chị Vì Thị Đỉnh, ở đội 9, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, cho hay.

Trong ruộng lúa ấy, người ta bắt cá tự nhiên bằng phương pháp “làm giếng” để nhử cá. Chiếc giếng ấy có khi sâu đến đầu người, đường kính khoảng 1 sải tay. Xương trâu, xương bò đốt lên đổ vào đó tạo mùi nhử cá. Sau đó, họ phủ cành cây vào hố làm mát. Chuẩn bị đến mùa gặt, người ta không cho nước vào ruộng nữa. Ruộng cạn dần, cá bị dồn vào “giếng”. Chỉ việc tát nước là thu được cá. 

“Người tình” của lúa

Ngoài kỹ thuật hưu canh để đất nghỉ ngơi, tái sinh dưỡng chất, người Thái đen còn có kỹ thuật xen canh để bảo vệ cây lúa cũng như tạo dinh dưỡng. Nhất là ở trên các nương lúa.

Trồng sắn là một ví dụ. Đây là loại thực phẩm vừa dùng để ăn chơi vừa để bảo vệ lúa. Những rác rưởi trôi từ nương lúa xuống được sắn giữ lại làm màu. Đây là loại cây có nhựa độc, giúp lúa đuổi sâu bọ.

Cây vừng cũng là loại cây được bà con lựa chọn để xen canh trên các nương lúa. Cây có mùi hăng, khiến cho rệp, rày không dám bén mảng đến lúa. Tương tự, người ta còn trồng một ít cây sả, cây gừng xen lẫn cây ớt.

Anh Hân nói vui: “vì nương xa nên người ta có thể tận dụng những loại cây trồng có sẵn trên nương để chế biến thức ăn. Như cây dưa, cây củ sả người ta gọi là người tình của lúa. Cây lúa mang tính cái còn những cây kia mang tính đực. Người ta phối hợp tính đực, tính cái để cho nó phát triển, bội thu. Nhưng tính khoa học ở đây là những cây như thế nó kích thích nhau phát triển, bởi những cây gừng, cây sả có mùi hăng, mùi hắc, sẽ xua đuổi con cào cào, bọ xít, châu chấu đến phá hoại cây lúa. Nương nào trồng chỉ cây lúa thường thường có sâu bọ. Người ta đã đúc kết ra như thế”. 

Ngoài lúa, người Thái đen trồng xen canh một số loại rau củ với nhau để hỗ trợ nhau phát triển. “Khi trồng hành, trồng tỏi mình sẽ gieo rau lẫn vào. Cho chắc củ. Người Thái quan niệm, hành, tỏi là đàn ông, rau là phụ nữ, cùng nhau kéo nhau phát triển tốt hơn” - theo anh Hân. 

Nghe tiếng sấm đầu năm đoán mùa bội thu

Là những cư dân nông nghiệp, người Thái đen rất có kinh nghiệm dựa vào thiên nhiên để đoán định thời tiết, chủ động nông vụ. Ví như chỉ cần nghe tiếng sấm đầu năm, nghe tiếng chim hót, họ có thể đoán được năm ấy được mùa hay chỉ đủ ăn.

Năm nào tiếng sấm rền vang, rộn rã, năm ấy mưa nhiều, canh tác tốt. Năm nào nghe tiếng sấm thưa, xa xa lắm, người ta bảo ít nước, ít mưa. Năm ấy làm lúa nước sẽ khó khăn.

“Con chim bắt cô trói cột mà hót líu lo, rộn rã, năm ấy làm ăn suôn sẻ. Nhưng thực ra người Thái chúng tôi ít gặp hạn hán, trước kia rừng nhiều, kể cả một năm không mưa, các khe suối đắp làm mương phai bao giờ cũng đầy đủ nước, không như bây giờ. Rừng núi nhiều thì các dòng lạch, dòng khe bao giờ cũng dồi dào, trong văn vắt”  – anh Tòng Văn Hân nói.

Lúa bị rầy quấy phá, chỉ cần tro cỏ tranh là có thể trị được ngay. Cỏ tranh sau khi đốt, lấy tro trộn với tro bếp, bồ hóng rồi rải trên ruộng lúa ắt khỏi bệnh vàng lá. Chỗ nào đất cứng, khó cải tạo, người ta chặt cây chó đẻ rải ra khắp ruộng, giẫm xuống đất rồi thả nước. Cây thối đi sẽ khiến đất mềm ra. 

Những tri thức canh tác quý giá ấy, cho đến nay người Thái đen vẫn giữ. Chúng đã giúp những người nông dân Thái đen làm nên thương hiệu trên đồng Mường Thanh.

 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

Hải Huyền bt chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC