Tình Khe Chữ, nghĩa đồng bào
Thứ tư, 00:00, 07/02/2018
VOV4.VN - Năm Đinh Dậu – 2017, thiên tai trở nên khốc liệt khác thường. Suốt cả một năm, bão lũ càn quét từ miền núi phía Bắc, uy hiếp rộng xuống phía Nam rồi dồn dập đổ lên dải đất nghèo miền Trung. Dẫu còn lắm lo toan, gian khó nhưng Tết này người dân nơi bão lũ đi qua đang có một mùa xuân ấm áp tình người.

 

Sáng chớm xuân, khi núi rừng còn phủ dày sương mù, tiếng cồng chiêng đã rộn rã trong ngôi làng nhỏ ẩn mình dưới chân núi Khe Chữ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Những người mẹ, người chị Ca Dong xúng xính trang phục truyền thống tất bật cùng đàn ông, trai tráng trong bản chuẩn bị nghi lễ về làng mới.

Sau lễ cúng Giàng, cẩn cáo thần linh đất trời, mọi người quây quần bên ché rượu cần, kể chuyện năm cũ, năm mới. Tiếng cười nói râm ran. Ở một góc xa, anh Hồ Văn Ngọ lặng nhìn về ngôi nhà vừa xây xong mà xót xa nhớ làng cũ. Nơi ấy, vợ và đứa con gái chưa đầy 3 tháng tuổi của anh mãi nằm sâu trong lòng đất lạnh sau vụ sạt lở núi kinh hoàng.

Hồ Văn Ngọ bị ám ảnh bởi cái ngày 6/11/2017. Hôm đó, trời mưa rất to, sau khi ăn trưa cùng vợ và 2 con gái, Ngọ qua nhà mẹ uống nước. Chỉ trong tích tắc, anh nghe một tiếng nổ long trời, đất đá cuồn cuộn đổ xuống, xóa sổ cả nóc ông Tuân. Vợ cùng con gái của anh và 3 người khác bị vùi sâu trong đất.

Đã gần 3 tháng trôi qua, anh Ngọ cùng hơn 140 hộ dân ở khu vực sạt lở núi thôn 2, xã Trà Vân chuyển đến định cư tại Khe Chữ, cách ngôi làng cũ hơn 3km. Về làng mới, chuẩn bị đón Tết trong căn nhà mới, anh Ngọ thấy chông chênh. Đêm giao thừa năm nay, lần đầu tiên trong nhà chỉ có 2 cha con anh, thiếu vắng tiếng bi bô con trẻ và giọng cười của người vợ.

Cùng cảnh ngộ như anh Hồ Văn Ngọ, vụ sạt lở núi xảy ra trước đó 1 ngày tại đồi Chim, tổ Đàng Bộ, huyện Bắc Trà My, đã cướp đi người mẹ, em trai và vợ của anh Nguyễn Thanh Bình. Người thân không còn, nhà cũng bị vùi sâu trong đất, suốt mấy tháng qua, anh Bình cùng đứa con trai chưa đầy 5 tuổi phải sống trong căn lều bạt dựng tạm trên mảnh đất của người hàng xóm.

Những hôm mưa to, gió thổi bần bật, anh thức cả đêm giữ cho bàn thờ khỏi bị gió xô ngã. Chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cùng bao tấm lòng thơm thảo đã tìm về giúp anh qua cơn hoạn nạn. Từ số tiền đồng bào cả nước ủng hộ, Bình vừa xây xong ngôi nhà mới. Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang, người hàng xóm của anh Bình, nhớ hôm anh dọn về nơi ở mới, bà con lối xóm mỗi người một tay giúp trang trí bàn thờ, sửa soạn mâm cơm cúng tất niên.

Trước Tết, vẫn còn nhiều người dân nơi bị ảnh hưởng thiên tai chưa kịp sửa chữa, dựng lại nhà ở. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Quân khu 5 và lực lượng vũ trang huyện Nam Trà My xông vào nơi gian khó, giúp dân ổn định cuộc sống. Mặc cho mưa to, gió rét, các anh cắt rừng, lội suối, vượt qua những con dốc trơn trượt, khuân từng tấm tôn, thanh gỗ, cõng từng bao xi măng vào tận Khe Chữ, giúp bà con dựng nhà, xây trường, tái thiết cuộc sống trên vùng đất mới.

Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, người sát cánh với dân bản từ những ngày đầu san lấp, đắp nền, tạo dựng mặt bằng làng mới, vui khi cuộc sống của hơn 140 hộ dân nơi đây đang dần ổn định. Hình ảnh các vị cao niên trong bản rưng rưng nước mắt khi được dọn đến ngôi nhà mới đã “tiếp lửa” cho Thượng tá Diêu và đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

"Giúp bà con là mệnh lệnh trái tim người lính. Chúng tôi cùng với bà con đồng cam cộng khổ, làm việc rất hăng say trong điều kiện mưa gió liên tục. Gần Tết rồi, đơn vị tổ chức nấu bánh chưng để bà con cúng nhớ tổ tiên, ông bà. Họ vào nhà mới rưng rưng nước mắt, nhóm lửa bếp lần đầu tiên là nấu nước mời anh em bộ đội uống, chúng tôi cảm thấy ấm lòng" - thượng tá Diêu nói.

Những trận lũ quét, sạt lở núi không những làm thiệt hại về người và tài sản mà còn phá hủy hệ thống giao thông, gây cô lập kéo dài. Nhiều công trình dân sinh khác hư hỏng nặng, bà con thiếu thốn trăm bề. Những ngày giáp Tết, Bộ đội khẩn trương giúp dân có chỗ ở đón xuân Mậu Tuất. Hàng trăm công nhân, kỹ sư các ngành điện, giao thông cũng lăn lộn trên núi rừng, ngày đêm sửa đường, kéo điện, thắp lên niềm hy vọng về một năm mới tươi sáng hơn.

Tết này, cuộc sống của đồng bào nơi bão lũ đi qua bộn bề khó nhọc. Nhưng với nỗ lực vươn lên của chính người dân, sự chia sẻ, góp sức của cả cộng đồng nên nhà nhà đều có một cái Tết ấm áp nghĩa đồng bào.

 

Gần 3 tháng nay, anh Nguyễn Thanh Bình và đứa con trai chưa đầy 5 tuổi sống trong căn lều bạt dựng tạm

 

Bộ đội san lấp tạo mặt bằng, giúp dân dựng làng mới

Bộ đội dầm trong mưa to, giá rét vác từng thanh gỗ băng rừng giúp đồng bào dựng lại nhà ở

Bộ đội giúp dân dựng nhà ở tại làng mới

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng quà Tết bà con vùng bị sạt lở

 

 

 

 

Minh Hoa, Hoài Nam/VOV-Miền Trung

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC