Hơn 60 tham luận tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam” (vừa được tổ chức tại Hà Nội) đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 53 dân tộc thiểu số.
Bảo tồn đang nặng về hướng phục dựng?
Ông Bùi Thanh Bình, Chi hội trưởng chi hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, chỉ rõ: thực tiễn hoạt động cho thấy bên cạnh những thành tựu lớn, còn tồn tại không ít những bất cập về quan niệm, phương thức thực hành và cả những hoạt động cụ thể trong việc phát hiện, bảo tồn, phát huy vốn cổ văn hóa:
"Đó là tình trạng xâm hại di tích, danh thắng, tình trạng lấy cắp cổ vật, đồ thờ trong một số đình, đến. Lễ hội truyền thống được phục dựng tràn lan. Nhiều nội dung lễ hội cổ truyền đã bị làm sai lệch, sân khấu hóa. Tình trạng này khiến môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, các giá trị văn hóa cổ truyền chẳng những không được phát huy mà còn có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đời sống xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay".
Môt nhà Gươl - nhà làng của người Cơ tu, được cách tân, ở Quảng Nam. Ảnh: BP
Theo nhạc sĩ Krajan Plin (dân tộc Cơ ho - Lâm Đồng), vùng đất Tây Nguyên vốn đa dạng văn hóa, nay cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc di dân ồ ạt từ nhiều vùng khác đến Tây Nguyên góp phần làm thay đổi môi trường kinh tế - xã hội vốn có, dẫn đến sự suy thoái của văn hóa bản địa. "Xuất phát từ cái nhìn không thấu đáo của hệ thống chính quyền, cộng với sự chỉ đạo dàn trải, thiếu sự nghiên cứu về nhiều mặt như văn hóa vùng miền, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, làm cho văn hóa bản địa hoàn toàn suy sụp" - theo ông Plin.
Nhạc sĩ Linh Nga Niê kđam, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Đắc Lắc, đặt câu hỏi: "Chương trình bảo tồn của Bộ Văn hóa chỉ gồm tổ chức liên hoan, phục dựng lễ hội, xây dựng sửa chữa thiết chế văn hóa, truyền dạy đánh chiêng, làm DVD là xong. Không phải không có kinh phí mà vì áp đặt từ nền văn minh lúa nước sang, không hiểu hết văn minh nương rẫy.
Cho nên có những việc làm không hiểu hết không gian văn hóa. Phòng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng chỉ có 1 cây nêu, 1 bộ chiêng, còn lại ảnh các đội chiêng, các nghệ nhân… Dựng nhà sàn Ê Đê ngược hướng truyền thống của người ta. Có khách thì ra huyện mượn trang phục dân tộc, thì bảo tồn cái gì? Khi trình diễn múa, Ba na mà đi múa Gia rai, do một cô giáo người Kinh dựng. Vô lý như vậy".
Biểu diễn âm nhạc dân gian Chăm tại Làng VH-DL các dân tộc VN (Hà Nội). Ảnh: BP
Cần thay đổi cách làm trong bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống
Theo ông Bùi Thanh Bình, thống nhất quan niệm về nhận thức, phương thức thực hành trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và vốn cổ văn hóa nói riêng, đang là một nhu cầu cần thiết và cấp bách. Phải có định hướng, giải pháp nhằm tạo mối tương tác chặt chẽ hơn giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế một cách bền vững. Phải tiến hành kiểm kê di sản văn hóa từng địa phương, trên cơ sở đó nghiên cứu sâu sắc về giá trị của từng nhóm, từng loại di sản văn hóa, đổi mới cơ chế và phương thức bảo tồn.
Riêng với khu vực Tây Nguyên, theo bà Linh Nga Niêkđam, để âm nhạc dân gian thực sự gắn bó với buôn làng như đời sống văn hóa truyền thống vốn có từ ngàn xưa, là một việc khó. Phải triển khai những biện pháp cụ thể từ cơ sở, chứ không phải chỉ tổ chức những hoạt động phục dựng mang tính bề nổi.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận