Hội quán Phước Kiến và tài hoa của nghệ nhân dân gian
Thứ hai, 13:09, 30/05/2022 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4.VN - Tại Hội An, Quảng Nam ngày nay vẫn tồn tại 5 hội quán đó là: Phước Kiến, Trung Hoa, Triều Châu, Quỳnh Phủ và Quảng Đông. Các hội quán này có quy mô khá lớn, đều nằm trên trục đường Trần Phú, hướng ra sông Thu Bồn. Trong số đó, hội quán Phước Kiến có kiến trúc độc đáo.


Hội quán, bên cạnh là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa cùng quê đến Hội An buôn bán, còn là nơi để thờ cúng các vị tiền hiền, các vị thần bảo trợ cho cuộc sống của người dân.
Trong năm hội quán ở Hội An, Phước Kiến là hội quán lớn nhất, nằm ở số 46 đường Trần Phú.
Theo giai thoại, hội quán Phước Kiến được xây dựng trên nền một ngôi chùa. Dân gian kể lại, xưa kia, khi sông Thu Bồn lụt, có một bức tượng vàng xuôi theo dòng nước dạt vào vị trí hội quán Phước Kiến ngày nay. Người dân đã lập chùa để thờ bức tượng này đặt tên là Kim Sơn Tự. 
Đến năm 1697, cư dân thương mại gốc Phước Kiến đến Hội An buôn bán đã trùng tu, lập nên hội quán Phước Kiến để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự những vị tiền nhân cũng giống như thờ tự các vị thần linh của cộng đồng cư dân Phước Kiến tín ngưỡng.
Ngày 17/2/1990, hội quán Phúc Kiến vinh dự được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá quốc gia.
Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện.

Tam quan 2 tầng với bức hoành tựa đề: Kim Sơn Tự

Biểu tượng cá hóa rồng được trưng bày trước cổng tam quan hội quán 

Cặp lân một đực, một cái chầu trước tam quan làm tăng vẻ uy nghiêm cho hội quán

Hệ thống trang trí vật linh trên mái tam quan phong phú, theo đồ án tứ linh: long, lân, quy, phụng. Ở tầng thứ 2 hình tượng các con vật được thể hiện qua hình thức đắp vẽ mảnh sành, sứ màu xanh. Và theo đồ án lưỡng long. 

Đặc biệt, ở phần mái thứ 4, mỗi bên có trang trí hình cá chép hóa long. Đây là một điểm nổi bật trong trang trí vật linh của các di tích kiến trúc ở Hội An. Các hệ thống vật linh này mang ý nghĩa cát tường. Trong đó, rồng biểu hiện cho sức mạnh, sự trường tồn, thịnh vượng. Cá chép thể hiện cho sự phát triển, chuyển hóa vượt bậc. Tam quan nhìn từ đằng sau.

Từ tam quan, trải qua một khoảng sân rộng được trang trí bởi nhiều hệ thống cây cảnh, đầy màu sắc. Thì đến tiền đường.

Sân của tiền đường được thiết kế bởi hệ mái lợp ngói âm dương, lợp ngói thanh lưu ly và được trang trí theo hệ đồ án tứ linh. Gồm có lưỡng long chầu, cuốn thư. 

Bên cạnh đó, ở phần bờ nóc có hình mũi thuyền cong vút, được trang trí các đồ án tứ linh.

Hội quán là nơi hội họp bà con đồng hương. Những ngày vía, ngày lễ hoặc công chuyện lớn trong nội bộ giải quyết bà con sẽ đến đây họp. Bên trong hội quán, ngay cửa là bộ bàn ghế cho bà con, du khách nghỉ ngơi, bàn chuyện. Đặc biệt, theo ông Trầm Thế Quý, Ban quản sự Hội quán Phước Khiến, những chiếc ghế màu xanh đã có tuổi đời trăm năm. 

Hai bức tường nơi tiền sảnh là hai bức tranh liên quan đến lịch sử định cư của người Hoa. Một bức phác họa Thiên hậu Thánh Mẫu - người được thờ cúng trong hội quán Phước Kiến. Theo truyền thuyết dân gian, khi những người Hoa vượt biển tìm vùng đất mới, khi gặp nạn nơi sóng dữ, Thiên hậu Thánh Mẫu hiển linh cứu giúp. Khi đến đất liền, để nhớ ơn, cộng đồng cư dân người Hoa đã thờ bà. 

Bức tranh thứ hai phác họa hình ảnh sáu vị tướng thời nhà Minh. Họ đã chiến đấu anh dũng trong phong trào phản Thanh phục Minh nhưng thất bại. Nhiều vị tướng đã hi sinh. Để tỏ lòng tôn kính, người dân đã thờ phụng trong hội quán. Ngày 16/2 hằng năm, bà con tổ chức lễ lớn để giỗ tổ tiền hiền - tức cúng tế sáu vị tướng này.

Ban thờ Thiên hậu Thánh Mẫu

Trong gian thờ linh thiêng của hội quán còn trưng bày mô hình thuyền, nhắc nhở con cháu về quá khứ gian khổ của tổ tiên

Phía sau hậu điện là gian thờ sáu vị tướng nhà Minh, gian thờ ba bà chúa sinh thai và 12 bà mụ cùng với gian thờ của thần tài, phục vụ cho tín ngưỡng của người dân địa phương.

Tại khu vực giếng trời hậu điện là biểu tượng rồng chạm trổ tinh xảo

Lâm Thanh/VOV4

 

 


Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC