Làng dân tộc Mường gồm 3 nhà sàn dựng năm 2010, được lấy nguyên mẫu ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Thanh Hóa. Từ năm 2015, nhóm nghệ nhân người Mường ở Hòa Bình đã về đây hoạt động, sinh sống hàng ngày tại làng Mường.
Theo ông Đinh Ngọc Lương, trưởng làng Mường tại Làng văn hóa, nhà sàn Mường nơi đây tái hiện theo hình mẫu nhà lang xưa, gồm 3 khoang, 2 trái.
Nhiều nghi lễ đặc sắc được tái hiện tại không gian làng Mường, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong xã hội cổ truyền, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ lang đạo, các dòng họ lang đạo như Đinh, Quách, Bạch, Hà... chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun. Dưới lang cun có các lang xóm hoặc đạo xóm - cai quản một xóm, giúp việc cho nhà lang, hưởng lộc của nhà lang.
"Đây là nhà quan lang nên những buồng này là những buồng thê, buồng thiếp. Còn nhà bình thường, buồng ngủ nằm ở vị trí hai đầu hồi nhà. Nhà này thuộc nhà rộng của người Mường. Bây giờ đời tôi không được nhìn thấy, các cụ truyền lại rằng: các vị có chức sắc trong làng còn có 5 khoang. Rất xúc động khi được sống lại mường xưa ở nơi này". - Ông Lương chia sẻ.
Trên các vách buồng, họ treo nhiều những vật dụng biểu trưng cho sinh hoạt thường ngày của người Mường xưa như: tên, nỏ, con dao đi rừng, sáo. Tại gian đầu tiên nơi cầu thang bước lên có một giá treo chiêng trưng bày 2 bộ chiêng gồm 12 chiếc. Tiếp đến là gian chính với một bàn thờ đặt trang trọng gần cửa voóng - nơi tâm linh của nhà Mường.
Ông Lương cho biết: "Người Mường quan niệm dãy cửa voóng này là phía trên. Cho nên chúng tôi đặt bàn thờ ở cột thiêng, dãy nhà đấy. Đã đặt bàn thờ ở trên này có nghĩa là bên trên rồi. Và thường chúng tôi tiếp khách từ hàng cột này trở xuống thôi. Chủ nhà ngồi ở nơi đây, quay mặt ra đây tiếp khách như thế này".
Bên trái không gian chính giữa nhà, người Mường đặt một bếp lửa. Đây là nơi các quây quần, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Bếp Mường cũng là không gian tâm linh. Họ có hẳn một nghi lễ đắp bếp mỗi khi làm bếp mới.
Mặt tiền ngôi nhà sàn hướng ra phía nam, nơi cửa voóng nhìn ra là một vườn chè xanh mướt mắt. Ông Lương cho hay: "Đến với bất cứ làng Mường nào thấy ở trước nhà có vườn chè nghĩa là gia đình đó có điều kiện, có đất. Một gia đình bề thế".
Không gian làng Mường tại Làng văn hóa
Người Mường nổi tiếng với câu ca: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới". Gầm nhà sàn trước kia của người Mường thường dành cho gia súc, gia cầm, đặt nông cụ. Tại không gian làng Mường ở ngôi nhà chung, nơi này được dùng để trưng bày nông cụ sản xuất, khung cửi dệt, 12 thẻ tre tượng trưng cho bộ lịch đoi của người Mường.
12 thẻ tre là 12 tháng trong năm của người Mường. Một tháng có 30 ngày.
Khung dệt của người Mường
Điếu cày (trái) và lục lạc đeo cổ trâu, bò (phải)
Dụng cụ đánh bắt tôm, cá
Chiêng - nhạc cụ độc đáo của người mường được treo trang trọng trên giá trong nhà sàn Mường
Gian giữa ngôi nhà là không gian sinh hoạt chung, là gian tiếp khách. Đến với làng Mường bạn sẽ được thưởng thức cỗ lá.
Vật dụng đi rừng treo trên bức vách
Bếp lửa ấm cúng
Không gian cửa voóng tâm linh nhìn ra phía trước ngôi nhà là hàng cau, vườn chè xanh mướt
Du khách thoải mái lưu lại những khoảnh khắc đẹp tại vườn chè nhà Mường, cùng nhau trải nghiệm hái chè, tự tay pha ấm chè ngon thưởng thức.
Nhiều phong tục đẹp, lễ hội đặc sắc diễn ra tại làng Mường thu hút đông đảo du khách tham gia như: lễ lên nhà mới, tái hiện diễn xướng Mo Mường, đánh cồng chiêng, lễ mừng cơm mới...
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận