Nhịp đời Raglai
Cây đàn là một ống tre to, khoét thủng 2 đầu, dài tầm 2 gang tay. Nghệ nhân tách vỏ tre làm 4 cặp dây trải đều xung quanh ống tre, và ghim chúng lại bằng những mảnh tre nhỏ ở hai đầu sao cho dây đàn không sát vào thân. Mỗi cặp dây được nối với nhau bằng một mảnh tre nhỏ tựa đồng xu để cố định.
Cây đàn chapi chỉ đơn giản là vậy, nhưng trên đôi tay của nghệ nhân Tà Thía Banh, những âm thanh trầm đục, thong thả cất lên như nhịp đời của người Raglai.
Nghệ nhân Tà Thía Banh, người Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cả đời gắn bó với cây đàn chapi. Nghệ nhân cho biết: "Bài saygiava, nghĩa là than thở. Than thở đời dân tộc Raglai ngày xưa khổ lắm. Chạy giặc không à, chạy lên núi. Than thở cuộc đời của người Raglai như vậy thôi".
Cây đàn chapi của người Raglai
Chapi gắn kết tâm hồn
Tiếng đàn chapi mô phỏng âm thanh của mã la, một nhạc cụ bằng đồng của người Raglai. Khi xưa, chapi theo chân người Raglai lên rẫy, làm vơi đi nỗi mệt mỏi của ngày dài lao động. Đi rừng, đêm khuya tĩnh mịch, họ quây quần bên nhau gẩy chapi xua tan cái thanh vắng của đại ngàn.
Thanh niên trai tráng dùng tiếng đàn chapi để ngỏ lời yêu đương. Người Raglai khi ấy càng yêu tiếng đàn Chapi hơn khi mỗi mùa lúa mới, mùa trỉa hạt. Cánh con trai đánh đàn, cánh con gái hát múa, giao duyên. Cứ mỗi dịp như thế, con trai "bắt" được vợ, con gái "bắt" được chồng. Chapi gắn kết tâm hồn người Raglai đơn giản như thế.
"Nhất là mùa lúa rẫy chín. Ở trên chòi, trên rừng một mình mình thường đem cái này đánh. Buồn. Rồi khi mình thích một mình, mình nằm trong khu rừng sâu, có một mình thôi mình sẽ dùng đến. Đánh một mình gái nhiều khi nó mê lắm".
Bình yên là cảm giác mà tiếng đàn chapi đem lại. Có lẽ cũng vì thế mà nhạc sĩ Trần Tiến viết nên ca khúc bất hủ của mình - "Giấc mơ chapi" khi ông đặt chân đến vùng cao nguyên mênh mông này.
Trong liveshow Ngẫu Hứng của mình, ông từng tâm sự: "Chuyến xe zép của chúng tôi dừng lại ở Ninh Thuận. Tôi lên trên đỉnh núi cao của người Raglai thì tôi thấy có một căn nhà duy nhất, xung quanh không có bóng người. Tôi đang đến gần thì tôi nghe có một tiếng đàn rất lạ. Tôi hỏi anh ấy: "Anh ơi thế đàn này đàn gì?". Anh ấy bảo: "đây là đàn chapi". - "Anh có thể bán cho tôi được không? Tôi thích quá, tôi là nhạc sĩ mà". - "Không, anh thích thì tôi tặng mà. Tôi bán làm gì. Ở đây lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến tiền. Anh ra mà xem, đấy, đàn dê, đàn gà của tôi đầy này. Lúa nương bạt ngàn. Anh thấy có thiếu gì đâu. Tự nhiên trong tôi nẩy lên một giấc mơ. Ôi, sao ta bao giờ được sống như thế này. Thế và tôi viết bài hát giấc mơ chapi".
"Bộ mã la thu nhỏ"
Chapi là loại đàn của người nghèo, vì lẽ một chiếc mã la cổ loại tốt phải đổi bằng một con trâu. Một bộ mã la hoàn chỉnh ít nhất cũng 4 - 5 chiếc, còn Chapi thì ngược lại, chỉ một ngày đi rừng tìm tre về làm là có thể chơi.
Ông Tà Thía Banh nói, có được cây đàn chapi chẳng khác nào có được một bộ mã la thu nhỏ. "Mã la đánh bao nhiêu bài thì chapi đánh bấy nhiêu bài. Người am hiểu mã la đó, chứ gái bây giờ nó mê nhạc đầm không à. Chapi mình ở một nhà chòi, nhà sàn chẳng hạn mà đánh được thành 4 mã la".
Những làn điệu chapi một thời làm đắm say bao tâm hồn người Raglai giờ chỉ còn ngân lên mỗi dịp giao lưu văn nghệ, biểu diễn văn hóa trong huyện, ngoài tỉnh. Lớp người già biết làm, biết chơi chapi thưa dần. Chapi một mai liệu có thành dĩ vãng?!
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận