Người La ha là một trong 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, thuộc diện bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp trên lãnh thổ Việt Nam.
Xưa kia, người La ha chủ yếu làm rẫy theo lối du canh. Ngày nay, nhiều bản đã làm ruộng nước. Người La ha thuộc nhóm ngôn ngữ Thái – Ka đai, họ được cho là những cư dân đầu tiên khai phá vùng lòng chảo Tây Bắc nước ta.
Cây sáo Pây A nghiêm ngắn bên bàn lễ cúng Pang A cầu an
Tiếng sáo cùng với lời cúng gắn kết với nhau làm cầu nối giữa con người với thần linh
Dân tộc La ha có tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Họ cho rằng: Con người tồn tại được là nhờ có các hồn. Nếu hồn bị lưu lạc con người sẽ ốm đau. Vì vậy, ngoài trị bệnh bằng thuốc, họ phải nhờ các thầy mo cúng gọi hồn về, những mong con người khỏe mạnh. Khi chữa khỏi bệnh, thầy cúng nhận người bệnh làm con nuôi. Hằng năm, thầy cúng sẽ tổ chức lễ hội Pang A để cầu cho bà con dân bản, các con nuôi khỏe mạnh. Và đây cũng là dịp các con nuôi tạ ơn thầy cúng cũng như thần linh đã giúp dân bản.
Thầy thổi sáo Lò Văn Inh bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La, Sơn La cùng với cây sáo Pây A của mình
Để kết nối được với thế giới thần linh, trong các bài cúng của thầy mo luôn có tiếng sáo Pây A của thầy thổi sáo bắt nhịp. Cây sáo dài tầm hơn 1m, là thân nữa rỗng ruột, khoét khoảng 5 - 6 lỗ. Nơi đầu thổi có lưỡi gà, bịt nilon. Khi được truyền hơi vào thân sáo, kết hợp các ngón tay của thầy thổi trên mỗi lỗ sẽ tạo ra tiếng rè ngân vang.
Tiếng sáo và lời ngân nga của thầy cúng quấn quýt không rời. Các bài cúng đều nhắc đến một vị thần khác nhau, tiếng sáo cũng vì thế mà trầm bổng khác nhau. Ví như bài cúng nói về thần sông, thần nước, tiếng sáo nhẹ nhàng, khoan thai. Khi thầy cúng cất lên những lời cúng nhắc đến thần núi, tiếng sáo to hơn, khỏe hơn, mạnh hơn như sự hiên ngang, vững trãi của những dãy núi đồi. Theo đó, tùy vào vai vế mỗi thần mà tiếng sáo của thầy thổi nặng nhẹ khác nhau.
Ông Quàng Văn Chung, người La ha ở bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La, Sơn La nói, thiếu tiếng sáo cúng coi như buổi lễ không thành công. "Không có tiếng sáo thần linh cũng không nhận. Kể cả anh là một thầy cúng tương đối hoàn chỉnh nhưng không có tiếng sáo thì không bao giờ hoàn thành tốt công việc này".
Người La ha tin cây sáo Pây A là cây có "thần". Duy nhất thần chủ là thầy thổi sáo hoặc vợ của thầy mới được chạm vào. Nếu không sẽ gặp những điều không may mắn.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận