(VOV4) - Trong lễ cúng cơm mới, hay trong đám cưới đám hỏi, trong các ngày hội xuân... của người Cao Lan không thể thiếu câu hát sình ca. Không phải ngẫu nhiên mà khi được hỏi về văn hóa truyền thống dân tộc mình, hầu hết người Cao Lan đều kể về sình ca.
Với người Cao Lan nói chung và bà con Cao Lan ở Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nói riêng, sình ca là hồn cốt của dân tộc, là niềm tự hào, là minh chứng cho kho tàng văn hóa phong phú và đặc sắc của tộc người.
Nàng tiên đến làng Cao Lan dạy hát!
Ông Lý Hiền Lương là Chủ tịch câu lạc bộ sình ca xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương. Ông Lương kể khi còn nhỏ, ông đã được ông bà cha mẹ kể lại rất nhiều tích về nàng Lưu Tam (còn gọi là nàng Lưu Ba) và nguồn gốc của Sình ca:
"Ngày xưa, có một nàng tiên nữ giáng trần, gọi là nàng Lưu Tam xuống Ngao Châu. Trong lịch sử sình ca Cao Lan như thế, vừa đi thuyền vừa đi bộ vào đến Việt Nam, vào một nhà, nàng Lưu Tam gặp 8 cụ đang ngồi uống rươu thì nàng Lưu Tam vào và chào bằng tiếng hát sình ca. Thế là 8 cụ thích quá, mời vào uống rượu. Ngồi uống rượu xong thì nhà chủ giữ lại và trò chuyện hai, ba đêm bằng hát sình ca và nàng Lưu Tam cũng truyền lại cho các cụ. Từ đó các cụ học được nàng cách hát sình ca”.
Người Cao Lan chỉ được hát với người khác họ. Ảnh:baomoi.com
Người Cao Lan ở Tuyên Quang ngày nay còn lưu lại và ghi chép lại những bài hát sình ca mà truyền rằng do nàng Lưu Tam dạy. Ông Sầm Văn Dừn, ở thôn Mãn Hoá, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, đã sưu tầm được một số trong kho tàng sình ca vô giá của dân tộc:
"Nàng Lưu Ba là người dẫn tiếng nói, tiếng hát từ đời này sang đời nọ và có sách vở ghi chép hẳn hoi rồi. Có thể 6 câu, 4 câu, người ta hát. Bộ sách hát đó thì từ tập 1 đến tập 12, nhưng hiện tôi sưu tầm giờ mới đến tập 6, tập 7 thôi. Đa số hát thì hát ở trong nhà, mà hát thâu đêm suốt sáng, gọi là tập 1 ấy, từ tập 2 đến tập 6 thì người ta hát ghép vào trong cái tập 1".
Người thời nay chỉ hát được 6 đêm là hết vốn
Mỗi bài ca là một bài thơ ghi bằng chữ Hán, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thể lục bát. Sình ca truyền tải những thông điệp, ước vọng về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên và tình yêu lao động. Sình ca đã giúp gắn kết cộng đồng người Cao Lan, giúp người dân xua đi nỗi vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Hình thức hát sình ca rất phong phú và đa dạng, song có hai hình thức hát chính là sình ca ban ngày và sình ca ban đêm. Trong đó, sình ca ban ngày có một số loại hình như sình ca trong hội xuân, sình ca trong đám cưới. Sình ca trong hội xuân lại gồm vèo ca (còn gọi là hát gọi với), sạo ca (tức hát dạo đầu), mầng ca (hát thề thốt).
Hình thức hát vèo ca, theo ông Lý Hiền Lương, lối hát này cũng như những hình thức hát sình ca ban ngày khác, thường được hát bên đường, ven suối hay trên đồi nương:
"Vèo có nghĩa là với, một người con trai đứng ở bên này với người con gái bên kia gọi với nhau, còn sình ca đối đáp là ngồi trực diện hoặc là đứng; làn điệu thì chỉ có một làn điệu thôi, thể hiện giọng hát, khuôn mặt của người hát bài hát đó ở nhiều trường hợp, hát vui nó khác, hát trong đám ma lại khác, trong ăn cơm mới nói chung đều có hát sình ca hết".
Hát Sình ca là một nét văn hóa cổ của người Cao Lan. Ảnh:baomoi.com
Sình ca ban đêm gồm những bài sình ca hát trong đêm thứ nhất, sình ca hát trong đêm thứ hai, sình ca hát trong đêm thứ 3, sình ca hát trong đêm thứ 4 và sình ca hát trong đêm thứ 5. Sình ca ban đêm thường được hát ngay trong nhà, dưới chân cầu thang lên nhà.
"Hát sình ca đêm thứ nhất là hát dài nhất, hát từ chập tối hát đến sáng hôm sau, thậm chí có nhiều người biết hát đối đáp vòng vo nhiều đến 8,9 giờ còn chưa hết. Sau đó còn có đêm thứ 2 đến hôm thứ 6, thậm chí còn nhiều đêm nữa nhưng đến thế hệ chúng tôi chỉ hát đến đêm thứ 6 - ông Lương nói.
Cùng họ, cùng làng, không được hát đối
Ngày trước, sau mỗi mùa gặt, nam nữ Cao Lan ở mỗi làng thường tập trung thành từng tốp và bắt đầu cuộc hành trình đi hát từ làng này đến làng khác. Các cô gái trong bộ trang phục truyền thống, với bộ xà tích, bao dao và thắt lưng xanh đỏ. Nam giới mặc áo dài, khăn xếp, mang theo ô và tay nải đựng các vật dụng cần thiết. Có những cuộc hát kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Từ Đồng Chiêm, Cấp Tiến, đoàn hát trèo đèo, lội suối đến các địa phương khác của huyện, như Giếng Tanh, Kim Phú, Sơn Nam, Đại Phú, thậm chí sang cả Lập Thạch (Phú Thọ).
Hát sình ca, dù là sình ca ban ngày hay ban đêm, đều có một quy tắc: khách đến làng hát trước, người trong làng sẽ hát đối đáp sau. Và khi đối lại, người ta phải hỏi họ của người vừa hát trước mình, nếu hai người không cùng họ mới được hát với nhau. Nếu hai người cùng họ thì phải tìm người khác để đáp lại. Ông Sầm Văn Dừn cho biết trong các cuộc hát, người trong làng, thậm chí trong xã không hát sình ca với nhau, mà phải hát với người xã khác, huyện khác.
Nhạc cụ trong hát sình ca cũng rất đơn giản, chỉ cần sáo và nhị. Tuy nhiên, theo ông Lý Hiền Lương thì trong cộng đồng người Cao Lan ở Tuyên Quang hiện nay, ít người biết kéo nhị. Vì thế mà sự hấp dẫn, ngọt ngào của những câu sình ca cũng giảm bớt phần nào.
Các bài sình ca được viết bằng chữ Hán, được lưu giữ lại trong văn bản bằng chữ Hán, nên phần lớn người Cao Lan ngày nay không đọc được. Nếu dịch các ra chữ Quốc ngữ thì không còn giữ được bản sắc, nên rất khó khăn cho việc truyền dạy cho con cháu. Đây cũng là điều mà cụ Tô Quang Đức, ở Câu lạc bộ sình ca xã Đồng Quý trăn trở.
Mặc dù có những trở ngại nhất định trong việc truyền dạy và duy trì các bài hát sình ca, nhưng những câu lạc bộ hát sình ca của đồng bào Cao Lan đã được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, sình ca của cộng đồng người Cao Lan ở Bắc Giang đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa di vật thể quốc gia từ tháng 12/2012.
Việt Phú-Thanh Nga/VOV4
Viết bình luận