Chiêng tha - vật tổ của người B’râu
Thứ ba, 00:00, 05/04/2016

(VOV4) - Người B’râu có một vật mà họ luôn tôn thờ và coi đó là vật tổ, như là nguồn gốc của mình, đó là chiêng Tha. Chiêng Tha chỉ cất lên tiếng nói khi cộng đồng tổ chức các lễ hội, với những nghi lễ đặc biệt.


Đây là bộ gõ mang tính nghi lễ, chỉ dùng để giao tiếp với thế giới siêu nhiên và các vị thần linh. Mỗi khi Chiêng Tha cất tiếng, thì cộng đồng người B’râu  tin rằng thần linh sẽ mang đến cho họ niềm tin cùng sự may mắn.


TS Bùi Ngọc Quang, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết với các loại hình dân ca cùng các loại nhạc cụ, cồng chiêng của người B’râu có 3 loại chính là chiêng Goong, chiêng Mam và chiêng Tha. Trong đó, chiêng Tha là loại chiêng cổ nhất và chỉ dùng khi có sự kiện rất quan trọng của cộng đồng:

 

- Chiêng Tha có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của người B’râu. Chiêng tha không phải là bộ gõ mang tính âm nhạc mà nó là bộ gõ mang tính nghi thức, tâm linh là chính. Họ chỉ dùng trong nghi thức đặc biệt của cộng đồng, chứ không phải là thích mà người ta mang chiêng ra gõ đâu. Chiêng Tha là vật thiêng của người B’râu, chỉ dùng giao tiếp với đấng thần linh trong những nghi lễ đặc biệt, tuyệt đối không dùng trong sinh hoạt.

 


nhac cu.jpg

Chiêng Tha là báu vật của người Brâu. Ảnh:baodatviet.vn


Người B’râu coi chiêng Tha là vật thiêng, do vậy ngoài giá trị tinh thần, chiêng Tha còn giá trị rất lớn về vật chất. Có những bộ chiêng quý, nếu đổi cũng được chục con trâu. Theo TS Quang, không phải ai cũng có được bộ chiêng quý này trong nhà:

 

- Về giá trị vật chất thì chiêng này rất là đắt, có bộ chiêng lên đến 10 con trâu. Đối với người B’râu, có một con trâu đã là gia đình có điều kiện rồi, giàu có, rõ ràng giá trị vật chất rất lớn, dù nó không phải là vàng, không phải đồng đen. Lúc đầu thì cả cộng đồng mới có một vài bộ vì nó dùng cho cộng đồng mà. Sau này, một số gia đình, họ có điều kiện, thì họ thấy bộ chiêng này có giá trị về tinh thần và vật chất, họ cũng mua được, đổi được nhưng không nhiều, cả cộng đồng chỉ có 3 bộ, có bộ trị giá bằng 3 trâu, có bộ trị giá bằng 10 trâu. Chỉ hiểu rằng nó là vật cực kỳ linh thiêng đối với cộng đồng, cho nên họ có thể bỏ ra rất nhiều vật chất để có được vật thiêng trong nhà. Rõ ràng gia đình nào có vật thiêng thì gia đình đó có quyền lực và người đó  gần với Giàng hơn, có những vật thiêng thì giao tiếp gần gũi với đấng siêu nhiên hơn.


Chiêng Tha không phải ai cũng có thể làm ra được. Theo TS Bùi Ngọc Quang, làm chiêng Tha, đòi hỏi kỹ thuật cùng chất liệu đặc biệt:


- Theo tìm hiểu thì chiêng Tha này người B'râu mang từ Lào sang, mà bây giờ muốn có chiêng Tha phải sang Lào để đổi, mua. Người B’râu không làm được chiêng Tha và các cộng đồng khác cũng không làm được chiêng, trong chiêng có cả vàng có cả hợp kim này, hợp kim kia thì nó mới tạo được hiệu ứng âm thanh hay như thế.

 

Hiện nay, trong cộng đồng người B’râu chỉ có 3 bộ chiêng Tha. Mỗi khi có sự kiện lớn bà con mới  mang chiêng ra sử dụng:

 

- Để đánh được chiêng tha phải có sự kiện thực, phải có sự kiện của cộng đồng, sự kiện thực chứ không phải sự kiện phục dựng. Phải có lễ hội và được phép mới mang chiêng ra sử dụng. Điều đó chứng tỏ chiêng này cực thiêng, chỉ dùng giao tiếp với đấng siêu nhiên. Nó là nghi thức thiêng đặc biệt, nó không dùng để trình diễn, nó không cần hòa âm phối khí, nó không có giai điệu để cho hát múa theo, mà nó chỉ là tiếng hiệu lệnh để gia đình và cộng đồng giao tiếp với đấng siêu nhiên. Chiêng này không đánh tùy tiện, không mang ra trình diễn để mọi người vui chơi giải trí, nó chỉ nhằm vào nghi thức hết sức quan trọng của gia đình và cộng đồng B’râu - TS Quang nói.

 


ngaba1-89734.jpg

Chiêng Tha được sử dụng nhiều trong các nghi lễ của người B'râu.  Ảnh:baodatviet.vn



Nghi thức mang chiêng ra sử dụng cũng rất đặc biệt, già làng phải thực hiện những nghi lễ mang tính tôn nghiêm, trong đó có lễ mời chiêng nói. Để thực hiện nghi lễ này, bà con phải chuẩn bị những vật dụng cùng những lễ vật cần thiết:

 

- Nghi thức mang chiêng ra đánh rất đặc biệt, chiêng hồi đó là họ không để trong nhà. Chiêng này được cất giữ rất là bí mật trong rừng, họ coi là vật thiêng, được cất nơi bí mật nhất. Họ chôn ở trong rừng, dưới một gốc cây to. Khi cần, họ mang về, già làng mới làm nghi thức thỉnh chiêng. Họ thịt một con gà trống, lấy tiết gà trống và dùng nắm lá rừng hòa tiết vào trong lòng chiêng và mời chiêng nói. Họ coi chiêng như một vị thần linh, coi như một con người, coi như một người bề trên - Theo TS Quang.

 

Chiêng Tha có hai chiếc gồm Chuar là chiêng vợ, và Jơliêng là chiêng chồng, cả hai đều không có núm, có kích cỡ bằng nhau nhưng thường Jơliêng - chiêng chồng to và dày hơn. TS Bùi Ngọc Quang cho biết khi diễn tấu, thì khi nào chiêng vợ cũng cất lên tiếng trước. Khi nhập được vào tiết tấu rồi, chiêng chồng mới tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài, thì các chiêng khác mới được vào cuộc. Đánh chiêng cũng dùng dùi đực và dùi cái. Đây có lẽ chính là ý niệm mang tính phồn thực trong đời sống văn hóa và tâm linh của người B’râu:

 

- Sau khi làm lễ xong, họ treo chiêng lên. Chiêng này không phải đánh bình thường, họ làm cái giàn treo lên, cách mặt đất khoảng 20 phân, chiêng nọ sát chiêng kia. Cách đánh chiêng cũng rất là lạ. Hai chiêng nhưng đánh bằng bốn cái dùi. Gọi là dùi đực và dùi cái. Chiêng thì có chiêng đực, chiêng cái. Dùi đực thì đánh vào trong lòng chiêng, nó là một loại cây rừng rất là cứng, thẳng, dài khoảng 1m, một người ngồi đối diện bụng chiêng. Người ngồi đối diện mặt chiêng thì đánh dùi cái. Nếu như dùi đực dài khoảng 1m và thẳng, thì dùi cái lại cong cong hình dấu hỏi. Khi đánh, chân người đánh tỳ vào chiêng, nếu như tay tạo hiệu ứng âm thanh thì chân lại tạo hiệu ứng ngắt bịt, tạo âm thanh trầm bổng khác nhau, rất là lạ, giai điệu đều đều, lặp đi lặp lại.


Và điểm khác biệt nữa là tiếng của chiêng Tha có độ vang rất xa. Ban đêm đánh một tiếng, qua 3-7 quả núi vẫn nghe tiếng chiêng. Chiêng Tha vừa là vật thiêng, vừa có hiệu quả âm thanh, vừa có thông tin giao tiếp với các cộng đồng xung quanh.



Việt Phú/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC