Chiêng tre của người Khơ mú
Thứ hai, 00:00, 09/11/2020 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4.VN - Xưa, khi chưa có chiêng đồng như bây giờ người Khơ mú ở Kỳ Sơn, Nghệ An lấy tre làm chiêng. Nhịp chiêng "cắc, tùng" vang lên dìu dặt, khoan thai trong những mùa lễ hội.

Chiêng tre làm từ loại tre 3 tuổi, mọc trên đồi. Bà con kiêng dùng tre non làm chiêng vì khi đánh, chiêng sẽ không kêu.

Gọi là chiêng, thực chất đó là một thân tre nhỏ, rỗng ruột dài tầm 50cm, có mấu ở hai đầu. Giữa thân chiêng, nghệ nhân khoét lỗ tròn ước chừng bằng lòng bàn tay. Trên lỗ tròn đó, nghệ nhân sẽ đặt một miếng tre mỏng làm mặt chiêng.


Chiêng tre của người Khơ mú

Tại thân tre, nghệ nhân sẽ tạo dây chiêng bằng cách khéo léo dùng mũi dao nhọn tách từ thân tre từng dây nhỏ, vuốt nhẵn sao cho dây chiêng vẫn cố định tại hai mấu tre. Sau đó, nghệ nhân lấy cật tre chêm vào hai đầu dây tạo độ căng cho dây chiêng. 


Nghệ nhân Cụt Minh Quang xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An với chiếc chiêng tre do chính tay ông chế tác 


Nghệ nhân Cụt Minh Quang chơi chiêng tre tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Khi đánh, một đầu chiêng được đặt lên đùi làm điểm tựa. Nghệ nhân một tay cầm dùi tre gõ từng nhịp "cắc tùng, cắc tùng" vào mặt chiêng. Tay kia từng ngón gẩy lên dây chiêng, phối hợp nhịp nhàng tạo ra một bài chiêng dặt dìu, khoan thai hoàn chỉnh.

Nghệ nhân Cụt Minh Quang người Khơ mú ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, chiêng tre là nhạc cụ quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khơ mú. Từ lễ lên nhà mới, cúng tổ tiên, các lễ hội của người Khơ mú đều có chiêng tre. 

Xưa kia, trước khi đánh chiêng người ta luôn làm lễ xin phép thần khai chiêng. Và một khi tiếng chiêng vang lên, bắt buộc phải có trâu tế thần, cúng tổ tiên. 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC