Ông Lò Văn An bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, Điện Biên dựa lưng vào cột nhà thong thả thổi đàn môi. Mắt nhìn xa xăm, ông đưa đàn lên môi vừa thổi, vừa dùng ngón tay trỏ gẩy nơi đầu lưỡi của nhạc khí. Những nốt đục, trầm buồn ngân vang.
Đây chính là lời thổ lộ tâm tình của một chàng trai dành cho cô gái mình yêu. "Em ơi, em có nghe tiếng đàn môi của anh không? Nếu em nghe được em hãy dậy với anh, chuyện trò với anh đi. Chơi gái ngày xưa, có đàn này đấy."
Hóa ra, chiếc đàn môi là bà mối mát tay của con trai, con gái người Khơ mú. Gặp nhau những buổi đi nương, xuống chợ, ánh mắt phải lòng nhau nhưng không dám ngỏ lời.
Đêm xuống, chàng trai tìm đến tận nhà người mình yêu, đứng nơi đầu hồi và bắt đầu thủ thỉ lời yêu bằng đàn môi. Cô gái nào có nhiều người mê là bấy nhiêu tiếng đàn môi theo chân quấn quýt, dập dìu. Nhưng, chỉ có tiếng đàn môi của người yêu mình, mới làm cho cô thổn thức.
“Nghe thấy tiếng đàn môi của mình, người yêu mình sẽ dậy mở cửa xuống tâm sự với mình. Còn con gái đã không ưng có thổi cả đêm cũng không xuống. Thậm chí, bố mẹ còn nổi lửa, ý là đuổi mình đi đấy. Phong tục của người Khơ mú là thế..."
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận