Đàn tập tinh của người Thái ở Nghệ An
Thứ ba, 00:00, 13/06/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Đàn tập tinh của người Thái ở vùng Con Cuông, tỉnh Nghệ An, cấu tạo đơn giản, âm thanh nhỏ nhẹ, độ ngân có giới hạn…, tiếng đàn dễ bị lấn át chốn hội hè đông đúc. Nhưng khi chơi giữa đêm thanh vắng, âm thanh phát ra độc đáo, hấp dẫn người nghe. Đó là đặc điểm không dễ trộn lẫn của cây đàn tập tinh.

 

Đàn tâp tinh không dễ lẫn

 

Nghe tên gọi tập tinh, hẳn là độc giả sẽ không hiểu cấu tạo của nó. Nghệ nhân Lò Văn Đoan, ở bản Căng, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An, giải thích: Tập tinh là tiếng người Kinh, nói theo tiếng Thái là toi ting, toi là đánh, tinh là đàn.

Để chế tác đàn tập tinh, nghệ nhân vào rừng tìm lóng cây nứa thật, có đường kính và chiều dài càng lớn càng tốt để làm thân đàn. Theo kinh nghiệm của nghệ nhân Lò Văn Đoan, chọn lóng nứa vào thời điểm đầu xuân là tốt nhất, sản phẩm làm ra sẽ chắc và bền, có tiếng vang.

 

Lóng nứa lấy về giữ nguyên cả 2 mắt, vát một đường trên bề mặt tinh nứa để làm mỏng một phần thân. Sau đó, khoét một lỗ nhỏ chính giữa phần bề mặt, tách 4 dây tinh nứa nằm sát 2 bên đường vát mỏng ban đầu, dùng 4 cật nứa nhỏ chèn 2 đầu dưới 4 dây tinh nứa để làm đà tăng độ căng cho dây. Cuối cùng, cắt một khối nứa mỏng thành hình bầu dục đặt lên lỗ.

 

Khi sản phẩm hoàn thành, chuẩn mực nhất là ống nứa có kích cỡ dài khoảng 45 cm, đường kính khoảng 10 cm. Đàn có 6 dây, trong đó 4 dây giữa lên cách nhau một quãng 3, còn 2 dây ngoài cùng là 2 dây trống. Gọi là dây trống vì chỉ dùng thanh tre đập để tạo tiết tấu mà không đi giai điệu.

 

Để sử dụng đàn tập tinh, người chơi cần thêm một thanh nứa nhỏ, chiều dài khoảng 20-30cm. Thông thường khi ta gõ vào khối nứa hoặc gõ trên phần tinh nứa được vát mỏng, âm thanh sẽ vang hơn, tựa như là tiếng trống. Còn khi ta gõ vào những phần khác trên thân đàn, âm thanh thường đanh và ngắn.

 

Nhưng nếu chỉ mới dùng động tác gõ thôi vẫn chưa ra tiếng. Để 4 sợi dây đàn này phát ra âm thanh phức hợp và độc đáo, người chơi phải vừa cầm thanh nứa nhỏ đập vào ngang dây trống và thành ống đàn, vừa dùng các đầu ngón tay trái để gảy, búng. Theo nghệ nhân Lò Văn Đoan, khi gõ, âm thanh tiếng đàn tập tinh phát ra như tiếng trống, thì khi gảy, âm thanh ngân dài tựa như tiếng chiêng. Bởi vậy người ta mới gọi đàn tập tinh là nhạc cụ dây gảy, chi gõ.

 

Vì sao đàn tập tinh lại mô phỏng nhạc cụ trống - chiêng? Bởi từ xưa kia, khi lao động trên nương, lúc nghỉ ngơi, đồng bào Thái có nhu cầu tụ tập chuyện trò, ca hát. Không phải lúc nào cũng mang được trống chiêng lên nương, nên đồng bào nghĩ ra một loại nhạc cụ thay thế. Về độ vang ngân, cây đàn tập tinh không thể sánh được với trống chiêng, nhưng tiếng đàn trong đêm đã giúp người “nghệ sĩ núi rừng” có một đêm vui, với tiếng suối chảy hòa âm tiếng gió ngàn, làm nên một bản nhạc đắm say cùng trời đất. Tiếng đàn, tiếng hát còn có tác dụng xua đuổi các loài thú đến phá hoại mùa màng, gọi các loài chim chóc, muông thú hiền lành, gần gũi tìm về góp vui. Có thể nói, âm thanh “tập tinh” đã giúp cho tâm hồn con người hòa nhịp và gắn bó với thiên nhiên, với núi rừng. 

 

Đàn tập tinh hội tụ "hai trong một"

 

Đàn tập tinh dễ chế tác, dễ chơi, nhưng khó để chơi hay, chơi giỏi. Phải tìm hiểu cặn kẽ và say mê với nhạc cụ truyền thống như nghệ nhân cao tuổi Lương Văn Nghiệp, ở bản Cằng, Môn Sơn, Con Cuông, mới có thể hiểu được điều này.

 

 Có lẽ, so với nhiều loại nhạc cụ khác, cây đàn tập tinh khá đơn giản về nguyên liệu, cách chế tác và cả cách sử dụng nên nó thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường. Theo nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, chỉ khó nhất là chơi sao cho tiếng đàn thăng hoa, thể hiện được nhiều tâm trạng khác nhau trong từng hoàn cảnh. Khó nhất là đoạn đánh trống, đòi hỏi người có kỹ năng, sáng tạo ra nhiều nhịp phách.

 

Đàn tập tinh là sự hội tụ “2 trong 1”, tức nó là sự “tích hợp” của trống và chiêng. Do đó, đòi hỏi người sử dụng phải thật sự nhuần nhuyễn, một lúc chơi đàn bằng cả 2 tay. Điều này không phải ai cũng làm được mà phải trải qua quá trình luyện tập lâu dài để có sự phối hợp, điều chỉnh nhịp nhàng. Nhưng nếu chơi đàn tập tinh chưa thuần thục, người chơi có thể tách ra thành 2 bộ phận để 2 người cùng chơi. Tức là lúc ấy sẽ không còn sự “tích hợp” nữa, mà người chế tác làm thành 2 bộ phận trống - chiêng riêng rẽ, trên 2 lóng nứa khác nhau. Như thế, một người có thể gõ trống, người kia dùng tay để gảy dây mô phỏng tiếng chiêng. 

 

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp tự hào cho rằng mình là người “sành điệu”: Người nào mà sành điệu, chơi cái đàn này thì một tay khảy chiêng, một tay đánh trống để hòa âm với nhau tạo thành giống như 2 người, 1 người đánh chiêng, 1 người đánh trống.

 

Trước đây, người Thái thường hay tổ chức làm lễ cầu mùa. Lễ thường được làm ngay trên nương, ngay khi mùa gieo hạt được bắt đầu. Và trong lễ hội đặc biệt quan trọng này, không thể không có tiếng đàn tập tinh. vào hòa tấu hoặc múa, hoặc phối cùng các loại nhạc cụ khác, để tạo hòa tấu của các nhạc cụ dân tộc. Nó như là tiếng vọng của đất trời, giai điệu của núi rừng, là nhịp điệu của mùa màng, của sự sinh sôi nảy nở, của ước vọng ấm no.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC