Đàn xi xa lo của dân tộc Thái ở Nghệ An
Thứ hai, 00:00, 08/05/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Trong hệ thống các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Thái, thì chỉ có duy nhất một loại nhạc cụ thuộc bộ dây. Đó là xi xa lo. Không quá cầu kỳ trong cách làm và cách sử dụng, nhưng âm thanh mà xi xa lo mang lại giúp cho người nghe có được cảm giác thư thái và yên bình.

 


Xi xa lo- hay còn gọi là xi xà lo, dân dã hơn gọi là xò lò, là nhạc cụ họ dây duy nhất của dân tộc Thái. Cả việc chế tác và sử dụng đàn này thường chỉ có đàn ông.

 

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, ở bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, giải thích về cái tên đặc biệt của loại đàn này: Cái này khi kéo nó cứ kêu xì xà xò xì xò nên đàn có tên là xà lò. Người chưa biết kéo thế nào nhưng cứ đặt tay lên kéo thì vẫn kêu xì xà xì xò.

 

Làm đàn xi xa lo, đầu tiên là chọn nứa, bởi bộ phận này tạo nên âm thanh của cây đàn. Để có được ống nứa chuẩn nhất dùng để làm đàn, người thợ chế tác phải đi nhiều ngày trong rừng sâu, chọn những cây nứa vừa vặn, đốt nứa đều đặn. Nếu nứa quá già thì dễ vỡ mà non quá thì sẽ bị héo. Đặc biệt khi phơi khô, cây nứa không bị biến dạng.

 

Khâu tiếp theo là phơi nứa ngoài nắng hoặc trên gác bếp từ 1-3 tháng. Đây là thời gian thử thách lần hai với những ống nứa để làm thân đàn, bởi nếu chưa chuẩn, có thể nứa lại bị vỡ, bị héo. Nứa khô, người ta lấy xuống gọt vỏ. Kỹ thuật gọt vỏ nứa là khó nhất vì đó là khâu quyết định âm thanh của tiếng đàn. Tước mỏng thì đàn dễ vỡ, mà tước dày thì đàn không kêu. Sau đó, đo nứa theo cỡ đàn rồi cắt ra nắn lại cho thẳng, có độ mỏng vừa phải, chiều dài khoảng từ 45- 50 cm.

 

Tước vỏ nứa xong, người nghệ nhân sẽ lấy dui làm khóa và căng dây đàn. Trước đây, đàn xi xa lo có hai dây làm bằng tơ tằm, hoặc vải thổ cẩm Thái, hoặc tách trực tiếp từ thân ống. Nhưng ngày nay, ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, người ta còn bổ sung thêm dây thứ ba cùng chất liệu. Cung kéo làm từ một thanh tre mỏng, có chiều dài khoảng 45cm, rộng khoảng 1cm, được uốn cong một cách tinh xảo. Dây cung thường được làm từ lông đuôi ngựa nhưng phổ biến nhất là làm từ những sợi cước nhỏ, hoặc làm bằng dây nứa, dây bằng thép như là phanh xe đạp.

 

Ống nứa dài khoảng 40- 45 cm làm bộ tăng âm, trên đầu ống khoan lỗ để luồn các then khóa, có 3 dây kim loại được nối từ các nốt khóa đến lỗ khoan phía dưới ống nứa. Những lỗ nhỏ để âm thanh phát ra ngoài. Khi sử dụng xi xa lo, nghệ nhân dùng tay trái giữ ống nứa, các đầu ngón tay bấm vào dây xà lò, tay phải thì cầm cung kéo để tạo âm thanh cho uyển chuyển hòa hợp. Theo nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, người nào mới học thì khó uốn nắn được cái tay để theo được ý của mình, các cháu nhỏ tay mềm thì dễ uốn hơn, khoảng 1-2 ngày là kéo được một bài nhạc rất đơn giản rồi.

Cây đàn "xì xà xì xò" của người Thái. Ảnh: KT

 

Cũng như những nhạc cụ tre, nứa dân gian khác của đồng bào Thái như khèn bè, pí, tính tẩu, tập pinh, kèn la, tăng bu, trống chiêng…, xi xa lo vừa để chơi giải trí hàng ngày vừa để trình diễn vào các ngày lễ hội làng xã, hát giao duyên. Từ những khúc nứa trong rừng dường như vô tri vô giác qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, bỗng trở nên một loại nhạc cụ có hồn, ngân lên giai điệu thiết tha.

 

Không biết chơi xi xa lo thì khó lấy vợ

 

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp  cho hay: Kéo cái đàn này thì không thể kêu như các đàn ở Tây Nguyên, chỉ có lúc vắng lặng, yên tĩnh thì mới có thể nghe rõ được tiếng đàn xà lò này. Người nào giỏi kéo thì tiếng rất du dương uyển chuyển và tạo sự xúc động, nhất là những làn điệu dân ca của dân tộc Thái.

 

Xuất hiện khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Thái, Xi Xa Lo ngoài dùng để độc tấu còn có thể đệm cho các bài hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày, để trở thành 1 bản hòa tấu độc đáo và vui nhộn.

 

Ông Lô Thế Lục, ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) bày tỏ: Xi xa lo này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Thái chúng tôi. Khi vui hoặc khi cần giãi bày tâm trạng là chúng tôi đều kéo xi xa lo. Đàn ông và phụ nữ đều dùng được xi xa lo. Ai cũng thích nghe xi xa lo này.

 

Qua từng bản nhạc, người ta hiểu được nỗi niềm của chủ nhân, là tiếng náo nức khi mùa Xuân về, là tiếng reo vui sau mỗi mùa làm nương bội thu. Và khi cất lên âm điệu day dứt, chứa chan tình cảm, đàn xi xa lo còn giúp chủ nhân tìm được người bạn đời vừa ý.

 

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp chia sẻ: Ngày xưa những chàng trai đưa đàn xà lò này đến kéo ở nhà con gái tới khuya, khiến người con gái cảm thấy yêu mến và hai người đó kết tình với nhau. Chàng trai Thái mà không biết chơi một loại nhạc cụ dân tộc nào thì khó lấy vợ lắm.

 

Xi xa lo quen thuộc với người Thái từ khi bắt đầu lập bản dựng mường và có mặt ở bất cứ cuộc vui nào. Âm thanh của xi xa lo trong trẻo, rõ ràng và mềm mại, đem lại cho người nghe sự thư thái, yên bình. Khi vui, bà con biểu diễn xi xa lo hết mình với tâm hồn lạc quan, qua đó các giá trị văn hóa cộng đồng của người Thái ngày càng được phát huy, thắt chặt hơn mối đoàn kết làng bản.

 

Trong xu thế hòa nhập như hiện nay, có rất nhiều thể loại âm nhạc hiện đại đến với đồng bào Thái. Tuy nhiên, bà con vẫn mặn mà với nhạc cụ dân tộc mình, trong đó có xi xa lo, bởi đó là hồn mường hồn bản.

 

Dân tộc Thái còn được gọi là Tày Khao (Thái trắng), Tày Đăm (Thái đen), Tày Mười, Tày Đen (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường) hay Thổ Đà Bắc. Người Thái sống tập trung ở nhiều vùng trên đất nước ta, đặc biệt có mặt trên miền Tây Bắc Việt Nam trên 1.200 năm, khoảng thế kỷ VII-XIII. Ngôn ngữ của người Thái thuộc hệ ngôn ngữ Thái – Kadai.

 

Người Thái có đầy đủ các họ nhạc cụ: dây, hơi, tự thân vang và màng rung. Các nhạc cụ này hiện vẫn đang được các nghệ nhân dân gian lưu truyền và phát huy trong sinh hoạt đời thường và các dịp hội hè, lễ tết. Đặc biệt, từ ống tre, ống nứa là những vật liệu thô sơ sẵn có mọi nơi, người Thái đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ, tấu lên những giai điệu trầm bổng, cuốn hút người nghe.

 

Ngoài diễn tấu độc lập, các nhạc cụ còn được sử dụng kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như múa, hát... nên rất gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, và không thể thiếu trong nhiều nghi lễ, ngày hội của mỗi miền, mỗi địa phương.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

 

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC