Điệu hát đối đáp Khăm Thơng của người Gia rai
Thứ tư, 00:00, 14/06/2017
VOV4.VN - Nếu như giai điệu “Adoh tơdăm dra’’ là hát đối đáp giao duyên chắp cánh cho tình yêu của các chàng trai cô gái, thì giai điệu “Khăm Thơng’’ lại là những lời đối đáp ngọt ngào của những người có tuổi dành cho nhau, để thổ lộ tâm tình hay chào hỏi và kể chuyện cuộc sống. “Khăm Thơng’’ là một nét đẹp trong dân ca Gia rai.


Đam mê hát dân ca từ nhỏ, chị Rmah H’Prăm, ở làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pứh, Gia Lai, bào hát đối đáp đã thấm sâu vào máu thịt rồi, nên khi nghe người ta hát, chị muốn đối lại ngay cho thỏa lòng.  Và câu hát càng hoà quện hơn, say mê hơn, nồng nàn hơn khi có nhịp chiêng, nhịp đàn, và chút men rượu cần.

 

Nghệ nhân Rmah H’Prăm tâm sự:  “Nghe tiếng chiêng, tiếng đàn là muốn cất lên lời ca. Đôi khi mình chưa uống rượu thì còn ngại ngùng nên đắn đo một chút. Khi có rượu một ít rồi, nghe đàn, nghe chiêng là hát luôn. Mặc dù mình hát không hay, nhưng khi nghe tiếng đàn trong lòng không kìm lại được, thích hát lắm”.

 

Chị Rmah Hprăm say mê hát dân ca Gia rai

 

Chị H’Prăm cho biết, đặc biệt là khi nghe một người đàn ông hát trước, chị sẽ hào hứng hát đáp lại ngay. Bởi câu hát dân ca rất mượt mà, thể hiện tình cảm nồng ấm. Khi có bạn bè, anh chị em đến nhà chơi, tiếp họ ăn uống rồi, chị lại hát hỏi thăm, chia sẻ công việc hàng ngày.  Chị muốn qua việc gieo vần hát dân ca, để lại ấn tượng cho anh em bạn bè, cũng muốn họ khen mình khéo léo.

 

Với những người lần đầu tiên đến nhà, chị Rmah H’Prăm tiếp chuyện bằng lời hát dân ca, với những câu vần đầy ý nhị:Cái chân anh đã lên đến hiên nhà, cái tay anh đã vịn vào cánh cửa nhà em. Người của anh đã bước vào gian khách, thân của anh đã ngồi gần bếp lửa, mà nhà em thì chẳng có con gà để thịt mời anh, không có rượu ngon đãi anh uống chơi, không có thuốc lá mời anh hút cho đã, không có củ nghệ mời anh xem thưởng thức cho vui…’’; hay “Mặt anh tôi chưa được quen, tên anh tôi chưa được biết; anh là người từ làng xa, buôn  khác đến đây lần đầu…’’.

 

Dân ca Gia rai rất dễ hát, dễ học và dễ theo, bởi giai điệu đơn giản. Nhưng không phải ai cũng hát được lòng người nghe. Bà Giá Mep, ở làng Kênh H’mek, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Khi còn trẻ, bà cũng mê hát dân ca và thường hay hát đối đáp với các chàng trai trong làng. Nếu họ hát không vần, bà không đáp lại và tránh luôn!

 

Bà Giá Mep bảo: "Nếu hát không đúng quy tắc, gieo vần không hay thì không hiểu đâu, nghệ thuật hát dân ca là vậy đó.  Không phải cứ cất giọng hát, gieo vần đầy gùi hay tràn rổ đi nữa mà không hiểu, sẽ không đi vào lòng người. Ví dụ gieo vần nói về sức trẻ, tình yêu đôi lứa “Lòng xôn xao như con cá bống nuốt cả mặt trăng, con cá bơi nhảy tung tăng mặt nước, hoa rau Djoh, trái Teng neng đua nở, đậu quả...”  phải đúng đường của nó, nếu sai đường là không ăn ý. Người hát dân ca hay thì nói câu gì đúng câu đó. Còn kẻ không biết gieo vần thì chưa phải là hát hay. Người hát giỏi phải có ý, còn người hát dở thì hát cả ngày mà không tìm được đường ra’’.

 

Nay, dân ca Gia rai không còn môi trường diễn xướng phong phú như ngày trước. Tuy vậy, hát đối đáp vẫn là một món ăn tinh thần đặc sắc trong những dịp lễ trọng của cộng đồng và mỗi gia đình. Chỉ tiếc là những người biết hát dân ca, đặc biệt là biết hát đối đáp cho đúng, cho hay thì ngày càng ít. 

 

 

 

 

Nay Zét/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC