Ngôi nhà trăm tỷ
Dinh thự họ Vương tọa lạc dưới chân thung lũng nhỏ thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Bốn bề là những hàng cây sa mộc cao vút, trông xa dinh thự Vua Mèo nổi bật nét vương giả giữa vùng cao nguyên đá.
Kiến trúc cổng bước vào trong dinh thự
Với diện tích gần 3.000m2, dinh thự được chủ nhân là Vua Mèo Vương Chính Đức khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1907. Chị Vương Thị Chở, cháu gái đời thứ 4 của Vua mèo Vương Chính Đức giới thiệu, quá trình xây dựng công trình này tiêu tốn tới 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương.
"Số tiền cụ thuê nhà thiết kế về đây cụ mất 15 vạn đồng bạc trắng đông dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam ngày nay. Đây là một số tiền rất lớn để cụ thuê nhà thiết kế để xây dựng ngôi nhà này. Ngôi nhà này được công nhận là di tích quốc gia năm 1993, năm 2004 chính thức đưa vào tu sửa, bảo tồn".
Nhìn bên ngoài, dinh thự Vua Mèo mang đặc trưng lối kiến trúc Mông, thể hiện ở bờ tường đá. Hai vòng tường thành xây dựng bằng đá hộc bao bọc kiên cố ngôi nhà. Các phiến đá được xếp chặt khít với nhau, dày khoảng 50 phân. Không chất kết dính, vậy mà trải qua những biến cố lịch sử, chúng vẫn kiên cố, tạo thành khuôn viên riêng biệt cho dòng họ Vương.
"Nói về máy móc, về phương tiện ở Đồng Văn chưa có, cả đường sá đi lại ở đây cũng không có. Người dân ở đây thời đó chủ yếu là đi bộ và phương thức chủ yếu đi bằng ngựa. Chính vì thế xây ngôi nhà này tất cả các vật liệu đá đều do chính người Mông ở đây đục bằng tay. Sau đó vận chuyển các tảng đá ở đây cách đây 7 cây số về đây để xây ngôi nhà".
Dinh thự có kết cấu 2 tầng với 64 gian phòng khác nhau, như: nhà khách, phòng làm việc, phòng cho các thành viên trong dòng họ, kho vũ khí, kho lương thực, kho thuốc phiện…vv với sức chứa lên tới gần 100 người. Dạo quanh ngôi nhà, bạn sẽ ấn tượng với lớp nguyên liệu gỗ, đá được sử dụng tạo nên sự bề thế cho ngôi nhà.
"Ở đây có tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà này đã được thay đổi khoảng 60% là nhà nước thay hoàn toàn bằng gỗ lim và gỗ nghiến. Còn phần gỗ trước đây cụ sử dụng duy nhất là gỗ thông đá tại Đồng Văn để xây ngôi nhà này. Tất cả những mái ngói ở đây là ngày xưa cụ mua ở Vân Nam, Trung Quốc về chúng ta vẫn giữ được nguyên vẹn từ trước cho đến tận bây giờ". - Chị Chở cho biết thêm.
Giao thoa kiến trúc Mông – Trung Quốc – Pháp
Mái rêu phong trong kiến trúc dinh thự
Xưa kia, dinh thự được coi là công trình xa hoa bậc nhất khu vực này. Để xây dựng được nó, cụ Vương Chính Đức đã sang tận Vân Nam, Trung Quốc mời thầy địa lý về khảo sát, nghiên cứu chọn vị trí đắc địa đặt nền móng cho ngôi nhà. Chính là khu vực xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn ngày nay, bởi nơi đây có thế đất cao ráo, hình mai rùa, vừa có khả năng phòng thủ, lại vừa thuận lợi cho công danh, sự nghiệp theo quan niệm người Mông.
"Cụ Vương Chính Đức có đưa thầy đi qua cả 4 huyện này để chọn địa thế đất. Nhưng cuối cùng, thầy nói với ông cụ rằng: có lẽ đây là địa thế đất nằm ở giữa thung lũng của Sà Phìn, nó nổi một khối đất cao lên giống như hình mui của con rùa. Có lẽ đất này cũng tượng trưng cho thần kim quy. Nếu cụ xây dinh thự ở trên đó cũng có thể sự nghiệp của ông sẽ thành đạt về sau này. Và thầy cũng nói đây cũng là một địa thế về quân sự của ông ở khu vực này cũng rất tuyệt vời. Tức là bao quanh ở khu dinh thự này đều là núi. Mà núi rất là cao, nó tạo ra địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Đây được coi là địa thế phòng thủ khá tuyệt vời".
Toàn dinh thự gồm có 3 cung, đó là khu vực tiền cung, khu vực trung cung và khu vực hậu cung. Khu tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ. Họ có nhiệm vụ canh gác, kiểm soát ra vào cũng như có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho dinh thự. Khu trung cung là nơi ở của các bà vợ, con cháu, anh em của Vua Mèo. Cuối cùng, phía hậu cung chính là nơi ở của Vua Mèo Vương Chính Đức. Và nếu vào sâu bên trong dinh thự, bạn sẽ ấn tượng bởi hai cột chân đá tròn vô cùng tinh xảo.
"Khu dinh thự này cụ Vương chính thức xây dựng theo kiến trúc của Trung Quốc, của người Mông và kiến trúc của người Pháp. Ngày xưa, cụ Vương Chính Đức cũng xuất thân trong một gia đình nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng thời đó có một nguồn thu nhập rất là lớn đó chính là thuốc phiện. Chính vì thế ở đây mới xuất hiện hai chân cột đá tròn, là biểu tượng hai quả thuốc phiện, chúng ta gọi là quả hoa anh túc. Và chân cột này tại sao nó bóng như thế là do ông sử dụng cái đồng bạc trắng đông dương của Pháp để mài vào đá. Mài như thế này thì đồng tiền đó sẽ bị ăn mòn vào chân cột đá này".
Trải qua bao thăng trầm, cho đến nay dinh thự Vua Mèo vẫn giữ được nét cổ kính. Có dịp đến với cao nguyên đá Đồng Văn, dinh thự Vua Mèo sẽ là một trải nghiệm khó quên. Đến, để chiêm ngưỡng nét kiến trúc gợi nhớ về quá khứ vương giả của Vua Mèo, để hòa mình vào nhịp sống, lòng hiếu khách của người Mông như đôi câu đối nơi cổng vào dinh thự.
"Sau khi hoàn thành ngôi nhà này ngay ở phía cửa ra vào của tòa dinh thự có hai câu đối khắc bằng chữ nho. Coi như cụ thể hiện lòng hiếu khách của toàn bộ họ Vương. Câu đối ở phía bên tay phải là "gia tích thiện hiền, nhân xuất nhập", hàm ý: gia đình tích đức, trọng người hiền ra vào. Ở bên trái có vế đối: "Môn phong lưu quý khách vãng lai". Nghĩa là cửa rộng mở đón khách quý đến thăm".
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận