Đôi vợ chồng giữ điệu dân ca Chăm
Thứ năm, 00:00, 16/02/2017

(VOV) - Vợ chồng anh Chế Quốc Minh và chị Qua Thị Hồng Loan hay lặn lội trong các làng Chăm, âm thầm chắt chiu, gom nhặt vốn cổ văn hóa dân gian Chăm còn sót lại, gọt dũa nó thành những viên ngọc quý. Họ làm việc đó với mong muốn lưu truyền trong các thế hệ người Chăm.


 

Để ý em từ nhỏ đến lớn,

Đến khi tóc chấm ngang vai thì em đi lấy chồng.

Thương em từ thuở còn thơ,

Thắt dạ, buộc lòng nhìn em đến với người ta...

 

Đó là một đoạn của bài dân ca Chăm “Caik hatian" - thương thầm, mà bà Hồng Loan thuộc nằm lòng và hát khá hay.

 

Theo bà Hồng Loan, bà có thể biểu diễn  trên 10 làn điệu dân ca với những giai điệu khác nhau như: Daoh meyut (hát ân tình), daoh dam dara (hát đối đáp), daoh rathung chai (hò xay lúa, giã gạo), daoh pandao (hát đố), Puac jal (hát vãi chài)...

 

Đôi vợ chồng Quốc Minh-Hồng Loan

 

Bà Hồng Loan sinh ra trong một gia đình trí thức Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cha của bà, cụ Qua Đình Bồi, vốn nổi tiếng trong việc biên soạn sách chữ Chăm; mẹ là bà Đàng Thị Thảo – người đã từng được mời đến cung đình biểu diễn các làn điệu dân ca Chăm dưới triều vua Bảo Đại.

 

Từ nhỏ, bà Hồng Loan đã được sống trong không gian dân ca và dần dần đam mê những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Là một cán bộ y tế xã, bà vẫn dành thời gian cho việc sưu tầm các làn điệu dân ca Chăm cổ. Các lễ hội lớn nhỏ của người Chăm ở làng mình, bà đều có mặt và ghi chép tỷ mỷ các bài hát, các điệu múa, các làn điệu dân ca mà các vị chức sắc thể hiện. Bà âm thầm sưu tầm, hát và dạy cho lớp trẻ những làn điệu dân ca, những điệu múa quạt truyền thống của người Chăm.

 

Ai có dịp về làng Chăm Lạc Trị trong mùa lễ hội sẽ được nghe những làn điệu dân ca Chăm ngọt ngào bên tháp Po Dam cổ kính. Không êm đềm như dân ca vùng Tây Bắc, không sôi động cuồng nhiệt như dân ca Tây Nguyên, cũng không lãng mạn như dân ca vùng Bắc Trung bộ, dân ca Chăm sâu lắng, mượt mà tình cảm, đầy chất chữ tình và khát vọng.


 

Ông Minh biểu diễn trống Ghi-năng


Ông Chế Quốc Minh nguyên  là một cán bộ ngành y tế. Ông cũng dành nhiều thời gian du khảo, ghi chép lại vốn cổ văn hóa dân gian tại các lễ hội của người Chăm như Rija Yaup, Rija Prong, Rija Harei... Ông không chỉ rành về các lễ nghi dân gian của người Chăm, thành thạo cách đánh trống Ghi-năng, cách vỗ Baraneng mà còn đứng ta tổ chức lớp học đánh trống Ghi-năng và vỗ Baraneng cho thanh thiếu niên trong làng.

 

Ngày hội Katê ở làng, ông đứng ra vận động tổ chức hội thi đội nước, múa quạt, đánh trống Ghi-năng, thổi kèn Saranai… Ông tâm niệm rằng, với cuộc sống như hiện nay, giới trẻ dần dần quên đi văn hóa cội nguồn của dân tộc, nếu như không có những hành động thiết thực.

Tại các kỳ Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đầu những năm 2.000, bà Hồng Loan đã đạt được nhiều giải thưởng cao.  

Càng nghe, càng say mê những làn điệu dân ca Chăm mượt mà, sâu lắng, chúng ta càng quý hơn những những việc làm của vợ chồng ông Quố Minh và bà Hồng Loan. Họ đã vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống đời thường để âm thầm giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hoá của dân tộc mình, góp phần gìn giữ vốn cổ văn hóa Chăm./.



 

 

Jasi/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC