(VOV0 - Là 1/4 ấn phẩm được trao giải Vàng sách hay năm 2016, "Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường" có thể coi là bộ từ điển sử thi về tri thức dân gian của dân tộc Mường.
Cuốn sách do ông Lưu Xuân Lý, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn lọc, hiệu đính, chỉnh lý dựa trên di cảo của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thiện.
PV: - Thưa ông Lưu Xuân Lý, ông đã từng chia sẻ tác phẩm "Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường" là sự kế thừa, hoàn thiện hơn từ cơ sở dữ liệu đã được xử lý từ công trình nghiên cứu "Đẻ đất đẻ nước và phong tục - đạo lý - nhân văn Mường". Ông có thể giới thiệu thêm về bộ sách này?
Ông Lưu Xuân Lý: - Đây là một di cảo rất quý của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Mường là Bùi Thiện (đã mất). Trong khoảng 40 năm sưu tầm nghiên cứu của tác giả Bùi Thiện về di sản văn hóa của dân tộc Mường, mà cụ thể là di sản diễn xướng của người Mường, có 3 thể loại rất quan trọng gồm: hát Mo, hát Trượng, hát Mỡi. Tất cả nghi lễ này gắn với tâm linh và phải diễn xướng thành thơ.
Ví dụ, xưa nay chúng ta hiểu Mo Mường là sử thi "Đẻ đất đẻ nước", nhưng sử thi đó chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng diễn xướng nghi lễ gắn với vòng đời tang ma của người Mường. Nguyên Mo Mường đã có khoảng 12 nghìn câu thơ. Còn "Trượng" thì như một loại hình diễn xướng khác, cũng hàng chục nghìn câu thơ.
Tác phẩm này, ngoài phần chọn lọc văn bản thì còn phần giới thiệu, bình luận, có thể coi là một bộ sách rất đồ sộ, về dung lượng khoảng 7 - 8 nghìn trang A4. Sau đó tôi chỉnh lý, biên tập, dịch lại còn khoảng hơn 1 nghìn trang.
Cuốn sách "Diễn xướng nghi lễ-Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường"
(Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc) đạt giải Vàng sách hay năm 2016
PV: - Trong quá trình chọn lọc, hiệu đính, chỉnh lý, ông đã gặp những khó khăn gì?
Ông Lưu Xuân Lý: - Thực ra nhà nghiên cứu Bùi Thiện đã viết một số bài từ rất lâu, ở rất nhiều thời điểm khác nhau. Khó khăn thứ nhất là người hiểu biết hơn tôi về lĩnh vực đó đã mất nên rất nhiều từ cổ đôi khi phải tìm hiểu nhiều.
Thứ hai, người Mường là một dân tộc thiểu số tương đối đông dân ở Việt Nam nhưng không có chữ viết, không có kí tự để ghi lại những ngôn từ ấy nên phải tìm cách dịch lại, viết lại những từ đó.
Khó khăn thứ ba là tất cả những văn bản đó một là viết tay, hai là đánh máy chữ ngày xưa nên việc đánh máy lại, nhập liệu lại ngần ấy trang sách là một vấn đề rất khó khăn.
PV: - Với một công trình được coi là tiếng nói từ quá khứ của người Mường thì ý nghĩa của nó đến ngày nay như thế nào, thưa ông?
Ông Lưu Xuân Lý: - Có thể nói đây là bộ sách về nghệ thuật diễn xướng có giá trị văn học. Thứ hai, nó phản ánh tất cả thế giới quan, vũ trụ quan, đạo lý nhân văn, phong tục tập quán của người Mường. Hoặc nếu viết lại thành văn xuôi thì có rất nhiều câu chuyện cổ trong đó, ví dụ: lịch sử làm nhà sàn, lịch sử làm rượu cần, cách đối nhân xử thế, tình yêu.... và cơ bản nó phản ánh rõ cội nguồn Mường-Việt.
Rồi những chuyện cổ tích giải thích nguồn gốc loài người, nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc các dân tộc... Ví dụ trong một đám tang người ta có thể diễn xướng 12 ngày đêm và trong một Mo Mường có rất nhiều câu chuyện.
Ông mo diễn xướng những đoạn coi như hồn người chết dặn lại con cháu trong lúc chia lìa, với rất nhiều bài học đạo lý, nhân văn, ví dụ: Mong các con đừng chặt mầm bương đang lớn, đi dẫm phải gai thì vứt đi, đừng để ra đường; người già nói người trẻ biết nghe, và rất nhiều đạo lý nhân văn người ta dạy dỗ trong đó.
Ông Lưu Xuân Lý- người hiệu đính, chỉnh lý tác phẩm "Diễn xướng nghi
lễ-Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường" dựa trên di cảo của nhà
nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thiện
PV: - Theo ông, chúng ta cần tiếp tục đặt ra những hướng nghiên cứu như thế nào để phổ biến giá trị di sản văn hóa đặc sắc này?
Ông Lưu Xuân Lý: - Chúng ta biết giá trị phi vật thể này vẫn còn ở những vùng Mường và có thể còn rất nhiều dị bản khác.
Ví dụ vùng Mường Sơn La, Mường ở Thanh Hóa, Mường ở Hòa Bình... mỗi vùng có thể có những dị bản khác nhau. Có thể chưa đầy đủ nhưng cơ bản nó phản ánh khá toàn diện công lao của ông Bùi Thiện đã làm rất lâu, rất kĩ. Nó có giá trị rất lớn: giá trị văn hóa dân gian, giá trị văn học sử và giá trị dân tộc học.
Còn cách phổ biến thì có rất nhiều. Một là, chúng ta có thể nghiên cứu tiến trình văn học sử và tiến trình văn hóa dân tộc; thứ hai, là lý giải câu chuyện cội nguồn Mường-Việt (Mường-Kinh).
Hiện nay, trong diễn xướng rất nhiều thông tin về xử kiện, có rất nhiều chỗ nói đến việc giải quyết bằng văn tự, giấy tờ nhưng chưa có ai biết chữ viết riêng của người Mường là thế nào. Đó là một dấu hỏi lớn về nghiên cứu.
PV: - Xin cảm ơn ông.
Phương Thúy/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận