Hát giao duyên trong đám chết – Đó là Ay ray
Thứ ba, 00:00, 16/08/2016 Huệ bt bài Huệ bt bài

(VOV4) - Trong nhiều làn điệu dân ca của người Ê đê thì điệu hát ay ray được coi là độc đáo. Độc đáo không chỉ bởi giai điệu trữ tình da diết, mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên, lời ca có vần điệu nhịp nhàng mà còn bởi đây một làn điệu hát giao duyên đối đáp mà chỉ được hát trong nhà khi có người qua đời. Đám ma mà lại hát dân ca giao duyên, có gì trái khoáy chăng?


 

Ông Ama Loan, ở Tp Buôn Ma Thuột,  tỉnh Đắc Lắc, là người khá am hiểu dân ca dân nhạc của dân tộc mình, bảo rằng “khi nào có đám chết người ta thích ay ray. Dân ca Ê đê ngày xưa nó thế. Còn đi ra rừng, ra rẫy thì hát được. Cái này kiêng cữ lắm”. Trong nhà mà bình thường, không có người chết  thì không hát. Còn vì sao nhà có người chết lại hát giao duyên? Ông Ama Loan cười: “Nhà có người chết thì ai cũng buồn hết. Hát đối đáp để cho đỡ buồn thôi”.

 

Cứ theo lời ông Ama Loan thì hát ay ray có thể hát đôi nam nữ giao duyên, nhưng cũng có thể hát một mình. Nhưng phải đệm bằng đinh năm, một nhạc cụ hơi của người Ê đê thì mới hay. Và không chỉ người Ê đê ở Buôn Ma Thuột mà người Ê đê ở xã Ea Hồ, huyện K’rông Năng, tỉnh Đắc Lắc cũng vậy, cũng kiêng không hát ay ray trong nhà, chỉ hát khi có người chết, theo lời chị H’lak M’Lô cũng là để “chia sẻ nỗi buồn”, "còn đi chăn bò, đi lên đồi cao su, trong vườn cà phê thì hát vô tư”. 

 

 

Hát ay ray phải đệm bằng đinh năm, một nhạc cụ hơi của người Ê đê thì mới hay. Ảnh:baomoi.com

 

Trước đây kiêng và bây giờ vẫn vậy. Tuyệt đối kiêng không hát ay ray trong nhà, chỉ hát ở không gian công cộng, bên ngoài ngôi nhà dài Ê đê. Nếu nghe tiếng hát ay ray, tiếng đinh năm ở ngôi nhà dài nào đó trong buôn thì chắc chắn ở nhà ấy có người qua đời, hoặc gia đình đó làm lễ bỏ mả cho người chết. Vì sao trong ngày tang lễ mà người Ê đê lại hát giao duyên?

 

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, người có nhiều nghiên cứu về dân ca, dân nhạc Tây Nguyên lý giải: “Ay ray là 1 làn điệu hát giao duyên nhưng lại chỉ hát trong đám chết. Người ta quan niệm là nhà tôi có người chết, anh đến anh chia buồn với tôi là anh phải đem cái vui đến. Chứ anh đến, anh cũng khóc lóc, mếu máo thế thì anh cộng thêm buồn cho tôi đấy chứ, anh có chia tí nào đâu! Thế thì anh đến là anh phải vui, phải múa, phải hát và tốt nhất là hát giao duyên. Cái chết lại là mở đầu cho một mối tình. Rồi họ lại lấy nhau, họ lại sinh con đẻ cái, lại bắt đầu 1 sự sống mới. Tức là cái vòng đời nó khép kín như vậy. Chính vì thế, cái điệu hát ay ray chỉ hát trong đám ma”.

 

 

Hát Ay ray trên nhà sàn. Ảnh:baomoi.com

 

 

Hát ay ray mang âm hưởng khoẻ khoắn, lạc quan chứ không âu sầu, bi luỵ. Bởi theo quan niệm của đồng bào Êđê, hát ay ray giao duyên trong đám tang mang ý nghĩa  thúc đẩy sự sinh sôi, sự đầu thai của người chết sau 7 vòng biến hoá. Khi đó, hồn người chết sẽ nhập vào đứa trẻ sơ sinh để trở về với cộng đồng. Như vậy, cái chết là bắt đầu cho một vòng tái sinh của một cuộc đời mới, nhất là sau lễ bỏ mả (tức là lễ tiễn biệt lần cuối với người đã chết được từ 1 năm trở lên). Hát ay ray đối đáp, giao duyên không dễ. Phải nhanh ý, phải thuộc nhiều câu nói có vần, giàu hình ảnh để có thể ứng đối nhanh.

 

Vậy mà chị H’lak M’Lô biết hát ay ray đối đáp từ năm 13 tuổi. Chị kể: Cứ nghe người ta hát ay ray là ra ngồi gần, rồi “thu âm” hết vào trong đầu! Theo chị thì hát giao duyên đối đáp khó nhất là phải ứng đối nhanh, lại phải đúng điệu. Người ta hát, mình trả lời lại mới hấp dẫn. Có người biết hát nhưng lại không biết đối đáp lại với nhau thì coi như không hát.

 

Nhiều đôi trai gái Ê đê đã nên duyên vợ chồng từ những cuộc hát đối đáp ay ray bởi cảm mến tài năng, trí thông minh hóm hỉnh và tìm thấy tâm hồn đồng điệu qua lời ca, ánh mắt. Còn khi hát một mình, ay ray mang tính tự sự rõ nét, người hát bày tỏ nỗi niềm, có thể là giãy bày tâm tư sầu nhớ, niềm vui, có thể ca ngợi tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu quê hương, cảnh đẹp đất nước... Nhiều người cảm nhận nghe ay ray lúc thì hình dung ra tiếng thì thầm của cánh rừng, khi thì lại thấy đâu đây tiếng gió đại ngàn, tiếng suối reo nơi núi rừng Tây Nguyên.

 

 

Minh Huệ/VOV4

Huệ bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC